Thứ Bảy, 23 tháng 12, 2017

Thành quả Cách mạng

Nguyễn Đình Cống
Hiện nay, hiểu về TQCM có nhiều cách khác nhau. Vậy thế nào là đúng?
TQCM là những thứ mà nhân dân ta có được như bây giờ, mà quan trọng nhất là chính quyền (CQ). Làm CM là để giành CQ. Kháng chiến 9 năm là để giải phóng đất đai và lập CQ. Chiến tranh Bắc - Nam 20 năm cũng là để lập CQ thống nhất trên cả nước. Vậy bảo vệ TQCM chủ yếu là bảo vệ CQ.
Nhưng CQ được nói ở đây phải thật sự là của dân, do dân, vì dân, phải thật sự công minh, liêm khiết, thật sự dân chủ chứ không phải CQ như hiện nay. CQ hiện nay, ngoài mồm vẫn to tiếng tuyên bố đề cao dân chủ, vững mạnh nhưng thực tế đa số phạm tham nhũng, cửa quyền, nặng nề mà bất lực, thiếu công minh… Muốn biết mức độ tốt xấu thì phải đem so sánh với CQ các nước tiên tiến mới rõ được. Vậy CQ như thế có phải là TQCM? Cha anh và chúng ta phấn đâu, hi sinh để làm CM, phải chăng để tạo ra một CQ như vậy?
Ngay cả khi có một CQ tốt đẹp thì đó cũng mới chỉ là một trong những nhiệm vụ trung gian chứ chưa phải thành quả cuối cùng của CM. Phải suy nghĩ tiếp: CQ tốt để làm gì? Để bảo vệ độc lập của đất nước, để lo cho tự do và hạnh phúc của nhân dân, để chống lại áp bức, bất công và mọi cái ác trên đời. TQCM chính là độc lập, tự do, hạnh phúc. Đó là mục tiêu mà lãnh tụ Hồ Chí Minh đề ra từ đầu. Tuy vậy Người nói: Nước độc lập mà dân không được tự do và hạnh phúc thì độc lập ấy chẳng để làm gì". Vậy CQ chỉ là phương tiện chứ không phải mục đích hoặc thành quả cuối cùng của CM. Phải cùng khẳng định: TQCM là tự do và hạnh phúc của nhân dân.
Hãy nhìn kĩ vào CQ hiện tại. Nó cồng kềnh, kém hiệu lực, là nơi phát sinh và dung dưỡng tham nhũng, cửa quyền, nơi tạo ra áp bức và oan sai, nơi các nhóm lợi ích thao túng và lo làm giàu cho gia đình, phe nhóm. CQ ấy không thể mang lại tự do và hạnh phúc cho nhân dân. Trung tướng Trần Độ viết: "Những mong xóa ác ở trên đời - Ta phó thân ta với đất trời - Tưởng ác xóa rồi thay cực thiện - Không ngờ cái ác lại luân hồi". Cái ác luân hồi mà ông nói tới chính là do CQ mới gây ra.
Chúng ta nghe giải thích rằng sự hư hỏng, tệ nạn của CQ là do một số cán bộ thoái hóa, biến chất tạo nên. Nhận xét này mới nghe qua thì thấy đúng nhưng thực ra nó chỉ mới chạm đến ngọn mà chưa đụng đến gốc. Hỏi tiếp. Một số là số nào, ở đâu ra? Đó là số rất đông, rất phổ biến, từ trong các cơ quan Đảng và CQ. Chúng do chế độ độc tài toàn trị sinh ra, nuôi dưỡng. Tới khi chúng lớn mạnh, kéo bè kết cánh, gây bao tai họa thì mọi người mới giật mình.

Thứ Bảy, 9 tháng 12, 2017

Trời sinh Võ Nguyên Giáp để làm gì?


Thuận Văn 
Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Ảnh TLG
Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Ảnh TLG
Võ Nguyên Giáp đã về với đất giữa những tiếng tung hô về “thiên tài quân sự” và “phẩm cách thánh nhân” của ông, giữa những lời phân trần biện minh cho thất bại chính trị của ông, cả những nhận xét điềm đạm hay phê bình gay gắt nhất đối với ông. [1] Không nhất thiết phải đóng góp thêm cái không khí ồn ào khi “tang lễ quốc gia” sặc mùi đồng bóng vừa mới bị cắt ngang một cách chưng hửng ngay tại thủ đô để tiếp khách giống như là… chạy cưới, tôi vẫn cảm thấy thiếu thiếu, vẫn còn có một câu hỏi chưa có lời đáp ở nhân vật này. [2]
Câu hỏi đó là: “Trời” sinh ra Võ Nguyên Giáp để làm gì?
Đã ca ngợi ông là một “thiên tài quân sự”, là “thánh nhân” thì phải thừa nhận chuyện “Trời sinh”: sinh ông ra, rồi phú cho ông một “thiên tài”, một phẩm cách “thánh nhân”, ắt hẳn “Trời” đã sắp đặt sẵn cho ông một chương trình, một mục đích và ý nghĩa nào đó, cho đời.
Như thế thì cái ý nghĩa “thiên mạng” đó phải thể hiện trong sự nhất quán, trong mối quan hệ tương liên giữa những chặng đời mâu thuẫn mà những kẻ xưng tụng ông vẫn ấm ức gọi là “nghịch lý”, cái “nghịch lý” của cuộc đời khởi đầu vinh quang trong vai trò “cầm quân” tại chiến trường Việt Bắc để rồi tiếp tục một cách ê chề với những tháng năm “cầm quần” giữa những mưu mô chính trị hậu cung tại Hà Nội, nói theo một câu ca dao hiện đại. [3]
Sự nhất quán giữa hai thái cực “cầm quân” và “cầm quần” ấy có thể nhìn qua học thuyết của Thomas Malthus, nhưng đầu tiên là “thiên tài” và phẩm cách của ông Giáp.
Chúng ta thán phục một người là có “tài” khi kẻ đó làm được những điều mà kẻ khác làm được nhưng làm bằng cách nhanh hơn, với cái giá rẻ hơn mà có thể đem lại kết quả hay hơn. Chúng ta ngưỡng mộ một bậc “thiên tài” khi kẻ đó làm được những điều độc sáng mà chưa ai từng làm được hay, không chỉ hơn khối kẻ bình thường khác qua cách làm nhanh nhất, bằng cái giá rẻ nhất nhưng mang lại kết quả mỹ mãn nhất mà còn có thể, qua cách ấy hay việc ấy, để lại một dấu ấn hay những ý nghĩa khó phai nhạt qua những ảnh hưởng đến người khác, ít ra là trong lĩnh vực của mình.
Nếu “thiên tài” của Võ Nguyên Giáp kết tinh ở chiến thắng Điện Biên Phủ “lẫy lừng” thì cái tài trời phú ấy không thể chấm hết sau phút giây bắn pháo hoa mừng chiến thắng mà còn phải để lại những ý nghĩa “lẫy lừng” nào đó, ít nhất là cho riêng vùng đất ấy, và ít ra là trong đường lối quân sự sau đấy.
Ông là “thiên tài quân sự”, thế nhưng với những đồng chí thuộc vai vế đàn em “thiên tài” ấy chẳng có một tý ty trọng lượng, chẳng để lại một dấn ấn hay ý nghĩa hay ảnh hưởng nào, ngay trong lĩnh vực quân sự. Gạt ông ra ngoài trong những quyết định trọng đại về chiến tranh, Lê Duẩn và Lê Đức Thọ đã không đếm xỉa gì đến “thiên tài” của ông. Chiến dịch Mậu Thân, họ chỉ báo trước có một ngày. Chiến dịch Quảng Trị, khi xương cốt bộ đội trắng cả đáy dòng Thạch Hãn, họ cũng bỏ ngoài tai những ý tưởng chiến thuật của ông. [4]
Và “chiến thắng lẫy lừng” ấy cũng chẳng mang lại một ảnh hưởng tích cực nào cho những vùng đất hay con người đã trực tiếp và gián tiếp trả giá. Không nói xa xôi đến “đất nước” hay “dân tộc”, gần ba phần tư thế kỷ sau ngày chiến thắng, những “an toàn khu”, những “căn cứ địa”, những “chiến khu gió ngàn” nuôi dưỡng nên chiến thắng ấy vẫn tiếp tục là những vùng đất đói nghèo nhất nước và, phần đông, thế hệ trẻ lớn lên ở đó, muốn đổi đời thì chỉ có thể, hoặc ngược sang Lào theo những “cung đường ma túy”, hoặc bỏ xuôi làm thuê hay làm đĩ. [5]
Giới hâm mộ Võ Nguyên Giáp viện dẫn sự thất thế chính trị để biện minh cho sự vô can của ông trước giá đắt trong Mậu Thân 1968 và Quảng Trị 1972-1973, thế nhưng cái giá của Điện Biên Phủ 1954 đâu có rẻ chút nào? Bao nhiêu nông dân cầm súng đã gục ngã, bao nhiêu tài nguyên đã tiêu tốn và những món nợ “xã hội chủ nghĩa anh em” với hậu quả nhãn tiền về sự phụ thuộc? Mà, xét cho cùng, nếu tướng tài là vị tướng không cần đánh mà có thể lấy được thành thì, chẳng cần đến những “chiến công chấn động thế giới” kiểu ấy, những cựu thuộc địa có cùng hoàn cảnh tại Á châu không chỉ đã giành lại độc lập với cái giá rẻ hơn mà, hơn thế nữa, còn vươn tới những kỳ tích hậu thuộc địa lẫy lừng hơn, rất nhiều.
“Chiến thắng lẫy lừng” ấy là một món hàng xa xỉ, cực kỳ hoang phí, không chỉ hoang phí bằng xương bằng máu mà còn hoang phí bằng sự tụt hậu và phụ thuộc, phụ thuộc ngay vào kẻ thù truyền kiếp, kẻ thù đã xâm lăng đất nước chúng ta nhiều lần hơn ai hết, chiếm đóng đất nước lâu dài hơn ai hết.
Cái chiến thuật thí thịt người chẳng có gì độc đáo sáng tạo về mặt quân sự của ông Giáp, gợi nhắc một giai thoại về Napoléon Bonaparte khi bị một viên thống chế dưới quyền thắc mắc trước một quyết định thí quân: “Chỉ một đêm của Paris là đủ”. Chỉ một đêm thôi, và riêng tại Paris thôi, sẽ có bao nhiêu cặp nam nữ cuồng nhiệt quấn quýt vào nhau, sẽ có bao nhiêu tinh trùng bắn ra, sẽ có bao nhiêu tinh trùng tiến về bắt rễ trong buồng trứng để từ đó mở ra một mầm sống mới và, với Napoléon, thế là đủ. Đủ để bù lại những sinh mạng bị ông ta vung vãi trước trận địa mà đối phương đã bày bố sẵn sàng.

Thứ Ba, 22 tháng 8, 2017

Những điều trao đổi nhân vụ Trịnh Xuân Thanh

Xa Tổ quốc gần nỗi đau Tổ quốc
Trải nỗi lòng mong nhẹ bớt nỗi đau
              Hoàng Xuân Phú




Cái tên Trịnh Xuân Thanh (TXT) sẽ đi vào lịch sử. Song không phải vì tội "cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng", hay vì tội tham nhũng. Dù đã gây ra những hậu quả rất tệ hại, nhưng trong hàng ngũ các đồng chí thi đua phá phách - vơ vét, thì tầm vóc của Thanh vẫn còn khá khiêm tốn. So với các đại ca thì Thanh mới như"trẻ nhỏ đua đòi". Còn so với mấy bố già thì Thanh càng chưa thể sánh ngang vai trên con đường hại dân hại nước. Bởi thế, khi các đại ca và bố già vẫn nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật, thậm chí còn vắt vẻo trên đỉnh cao quyền lực, thì chắc Thanh cũng khó cam lòng "đầu thú".
Thiên hạ sẽ dùng tên TXT để đề cập một diễn biến hiếm có trong lịch sử ngoại giao, mà đọng lại là hình hài đích thực của kiểu pháp quyền sản xuất tại Việt Nam. Vốn dĩ, thi hành công vụkiểu giang hồ là chuyện thường ngày ở xứ "dân chủ vạn lần tư bản". Song lần này đặc sản"luật rừng" được xuất khẩu sang khối Cộng đồng chung Châu Âu, và công diễn giữa trung tâm Thủ đô Berlin của Cộng hòa Liên bang Đức.
Sau mười ngày điều tra và cân nhắc thận trọng, ngày 2/8/2017 Bộ Ngoại giao CHLB Đức đã rathông cáo báo chí, trong đó khẳng định:
"Việc bắt cóc công dân Việt Nam Trịnh Xuân Thanh trên lãnh thổ Đức là sự vi phạm trắng trợn chưa từng có đối với luật pháp Đức và luật pháp quốc tế."
"Chính phủ Liên bang Đức đòi hỏi, rằng ông Trịnh Xuân Thanh có thể quay lại Đức ngay lập tức, để cả đề nghị dẫn độ và đơn xin tỵ nạn đều có thể được xem xét đến cùng đúng theo trình tự pháp lý."
"Liên quan đến phát biểu của Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Đức xung quanh vụ việc Trịnh Xuân Thanh, tôi lấy làm tiếc về phát biểu ngày mùng 2 tháng 8 của Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Đức."
Vâng, "tiếc" về "phát biểu của người phát ngôn Bộ Ngoại giao Đức". Như thể phật ý, vì phát biểu của phía Đức có điều gì sai trái, hay không hợp lý. Khi phóng viên nước ngoài hỏi "Việt Nam có xác nhận lời cáo buộc bắt cóc Trịnh Xuân Thanh không", thì bà Hằng trích dẫn:
"Theo thông báo ngày 31 tháng 7 của Bộ Công an Việt Nam thì ông Trịnh Xuân Thanh đã ra trình diện và đầu thú."
Vậy là nhà cầm quyền Hà Nội không trực tiếp bác bỏ cáo buộc bắt cóc TXT của phía Đức (vì"ra trình diện và đầu thú" không có nghĩa là trước đấy không bị bắt cóc). Song cũng không công khai thừa nhận và chẳng có hồi đáp chính thức về cáo buộc của phía Đức. Có lẽ vì thế,Bộ trưởng Ngoại giao Đức Sigmar Gabriel đã phải nhấn mạnh (trong bài trả lời phỏng vấn đăng trên báo Stuttgarter Nachrichten ngày 6/8/2017):
"Hành vi của mật vụ Việt Nam trên lãnh thổ Đức là hoàn toàn không chấp nhận được. Tôi muốn nói hết sức rõ ràng rằng: Chúng tôi không bao giờ chấp nhận trò ấy, và cũng sẽ chẳng để yên việc ấy."
Trong khi nhà cầm quyền Hà Nội làm thinh, thì dư luận người Việt trên thế giới ảo cực kỳ sôi động. Người thì phê phán chính quyền Hà Nội, người lại tỏ ra đồng tình. Số đồng tình dựa trên niềm tin chân chất, rằng việc bắt cóc TXT (nếu có) là cần thiết cho nỗ lực chống tham nhũng. Và rằng động cơ của thế lực ra lệnh bắt cóc TXT chỉ đơn thuần là nghiêm trị kẻ tham nhũng. Còn tính hợp pháp của hành vi bắt cóc ư? "Mục đích biện minh cho phương tiện." Vả lại, "thế giới" cũng làm thế cả. Có điều, khi xòe tay điểm danh để chứng minh hùng hồn, rằng việc chính quyền một nước tổ chức bắt cóc ở nước ngoài vì mục đích tử tế là thông lệ quốc tế, thì chỉ duỗi được vài ngón. Còn ngón tiếp theo thì tần ngần, chẳng biết chỉ về đâu. Thử hỏi, bắt cóc kiểu ấy là hành xử bất thường của vài siêu cường, mà cộng đồng đành phải cắn răng chịu đựng? Hay của nhà nước đại diện cho dân tộc đã từng bị vùi dập trước sự làm ngơ của các cường quốc, tới mức hậu thế vẫn còn cảm thấy mắc nợ? Hay của mấy nhà cầm quyền mà thế giới văn minh phỉ nhổ?
Điều đáng bàn là có "một bộ phận không nhỏ" chỉ trích mạnh mẽ phản ứng của phía Đức. Họ cho rằng phía Việt Nam hành động như vậy là đúng, nên phía Đức phát ngôn như vậy là sai. Thậm chí cho rằng "Đức... dung dưỡng cho một tên tội phạm như Trịnh Xuân Thanh", và lên án "thói đạo đức giả của nhà cầm quyền Berlin". Những chỉ trích nặng nề kiểu ấy không chỉ được đăng trên các trang cá nhân, mà trên cả báo quốc doanh, chẳng hạn bài "Vụ Trịnh Xuân Thanh về nước đầu thú: Bộ Ngoại giao Đức hồ đồ hay mua phiếu?"– đăng ngày 18/08/2017 trên Tuần báo Văn nghệ của Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Thành phố Hồ Chí Minh.
Thật khó dung hòa giữa tư duy pháp quyền "vùng sâu vùng xa" với tư duy pháp quyền kiểu Đức. Vốn cả đời chung sống với luật rừng và tiếp xúc với lối hành xử giang hồ của quan chức bản địa, nên tưởng rằng như vậy mới hợp lẽ tự nhiên. Thành thử khó chấp nhận lối tư duy pháp lý xa lạ, máy móc của "bọn Tây". Cũng giống như trai bản, quen đi rừng phạt cây mà tiến, nay lạc vào đô thành thì khó chịu với đèn đỏ đèn vàng, bởi cho rằng chúng cản trở giao thông.
Nếu những ý kiến ấy chỉ thể hiện tư duy quần chúng, thì phải tôn trọng quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí của họ. Nhưng trong số đó có cả ý kiến từ giới luật sư. Với những lập luận pháp lý tưởng chừng rất vững chắc, nhưng tiếc rằng lại sai. Vì vậy, tôi viết bài này để trao đổi, với hy vọng làm rõ hơn một số cơ sở pháp lý của vụ việc, để từ đó mà hiểu đúng và có cách ứng xử hợp lý.

Thứ Ba, 9 tháng 5, 2017

Học được gì qua vụ Đinh la Thăng

Không lẽ trong các lần bổ nhiệm trước, đặc biệt lần bổ nhiệm ông Thăng vào Bộ Chính trị và vào ghế Bí thư Thành ủy HCM đầu năm 2016, lãnh đạo đảng và Ban Tổ chức Trung ương không biết gì về con số thua lỗ, thất thoát của PVN?
– Đã có nhiều vụ thua lỗ còn lớn hơn tại PVN rất nhiều và có những người đáng phải chịu trách nhiệm còn lớn hơn ông Thăng rất nhiều lại không bị lôi ra kỷ luật. Đáng kể nhất là người trách nhiệm sự sụp đổ của toàn khối tập đoàn kinh tế và tổng công ty, đã đốt sạch ngân khố quốc gia và còn cõng thêm hàng trăm tỉ vay nợ quốc tế. Tại sao không lôi những người đó ra?
– Quan trọng hơn nữa, ai cũng biết trong hệ thống cơ chế hiện nay, những vụ đầu tư trị giá hàng trăm triệu đến tỉ USD chưa bao giờ là quyết định của cá nhân thủ tướng, hay cá nhân 1 bộ trưởng, chứ đừng nói gì đến 1 bí thư đảng ủy công ty như ông Thăng lúc đó. Cụ thể như những dự án lọc dầu Dung Quất, dự án Bô-xít Tây nguyên, v.v… luôn được công bố là chủ trương lớn của đảng, tức của BCT. Đặc biệt vụ thua lỗ đầu tư tại Venezuela được quàng lên đầu một mình ông Thăng, trong khi Tổng Bí Thư Nông Đức Mạnh và các lãnh tụ VN khác đều công khai thúc giục gia tăng quan hệ đầu tư với Venezuela vào thời gian đó.
– Và sau hết, tại sao ông Nguyễn Phú Trọng trong suốt hơn 5 năm qua luôn chận các yêu cầu xử phạt nội bộ với các lý do “đánh chuột sợ vỡ bình quí”, không thể để cảnh”ta đánh ta”, v.v. nhưng nay lại bất cần bình quí và đánh luôn một ủy viên BCT đương nhiệm?
Với những dấu hỏi cực lớn đó, khó ai tin các lý do kỷ luật ông Thăng mà lãnh đạo đảng vừa công bố. Chắc chắn đó chỉ là cái cớ chứ không phải lý do.
Chỉ có một lời giải có thể thỏa mãn được tất cả các câu hỏi trên. Đó là cuộc tranh quyền quyết liệt trước đại hội đảng giữa nhiệm kỳ sắp tới. Đặc biệt trong lần này nó còn là nhu cầu mang tính sống còn của ông Trọng. Có xác suất cao ông Trọng sẽ bước xuống khỏi ghế Tổng Bí Thư và vì thế đây là cơ hội chót để ông phải tận diệt những kẻ có tiềm năng trả thù khi ông không còn chức quyền.
Tóm lại, ông Trọng mới là cái bình quí nhất bên trong cái bình quí của đảng. Ông sẽ bảo vệ cái bình bản thân đó bằng mọi giá, kể cả cái giá có thể làm nứt cái bình bao bên ngoài.
Ông Trọng cũng đã khá thận trọng và theo sát cách “đả hổ đập ruồi” của Tập Cận Bình – Vương Kỳ Sơn, tức loại trừ dần những Từ Tài Hậu, Bạch Hy Lai, Chu Vĩnh Khang, v.v. để nhích dần đến cái đích Giang Trạch Dân. Cụ thể, ông Trọng đã loại trừ dần những Trịnh Xuân Thanh, Vũ Huy Hoàng, và nay Đinh La Thăng, … để nhích dần đến Đồng chí X.
Nhưng đó là chuyện giữa các lãnh tụ tối cao với nhau. Còn tập thể cán bộ bên dưới, trong giai đoạn “trâu bò húc nhau” này họ cần học gì qua vụ việc Đinh La Thăng bị tế thần?
Có lẽ 3 bài học sau đây hệ trọng nhất:

Thứ Sáu, 17 tháng 3, 2017

Người thân thủ tướng Phúc

___
Phạm Hồng
16-3-2017
Hiệu trưởng Nguyễn Khắc Minh tại một buổi hội thảo. Ảnh: Trường ĐHKT Y – Dược Đà Nẵng
Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc từng tuyên bố hùng hồn rằng: “Tôi báo cáo trước Quốc hội phải đổi mới công tác cán bộ, tôi đề nghị các đồng chí phải lưu ý điều này, việc này cần phải chấn chỉnh ở tất cả các khâu, tuyển chọn, sử dụng, bổ nhiệm, chúng ta thi tuyển để tìm người tài, chứ không phải để tìm người nhà. Đừng để nhiệm kỳ này tai tiếng về cán bộ”. (Nguồn: Vì sao Thủ tướng yêu cầu ‘tìm người tài, không tìm người nhà’?).
Thế nhưng phía sau lời nói bóng bẩy đó, ông Phúc đã nâng đỡ không biết bao nhiêu người thân, mà trong số đó có ông Nguyễn Khắc Minh – Hiệu trưởng trường Đại học Kỹ thuật Y dược Đà Nẵng hiện nay.
Vốn là bộ đội phục viên, Nguyễn Khắc Minh đi học lại và tốt nghiệp bác sỹ hệ tại chức ngành Y học cổ truyền (Đông y). Với bản chất lươn lẹo, cơ hội và nịnh bợ, cộng với sự thối tha của hệ thống đào tạo Việt Nam, Minh đã lấy được học vị tiến sỹ, nhưng lại là chuyên  ngành Y tế Công cộng.
Khi còn là lãnh đạo tỉnh Quảng Nam, ông Phúc đã nâng đỡ và đưa ông Minh lên đến chức vụ Hiệu trưởng trường Cao đẳng Y tế Quảng Nam. Với bao nhiêu điều tiếng của đồng nghiệp phản ảnh, bản chất ông Minh là nịnh trên, đạp dưới; về năng lực thì thấp kém nên luôn thể hiện thái độ nịnh hót các vị ở Bộ Y tế – cơ quan chủ quản trường, song lại sẵn sàng chà đạp, trù dập những thầy, cô bác sỹ liêm khiết, thẳng thắn, nhất là các bạn đồng nghiệp giỏi, chuyên ngành Y đa khoa – Một ngành mà có vị thế và đòi hỏi kiến thức chuyên môn sâu rộng rất nhiều so với Y tế công cộng của ông Minh.
Còn về mặt đạo đức, bản chất lưu manh, ăn nói giang hồ, lộng ngôn của ông ngày càng lộng hành; bản chất máu gái, thèm của lạ nên hầu hết các giảng viên nữ trẻ rất ái ngại khi gặp ông, nhất là tại phòng làm việc.
Những đặc điểm, tính cách con người của ông Nguyễn Khắc Minh chắc chắn ông Phúc thủ tướng biết rõ, những ông vẫn cho qua. Khi làm đến chức Phó Thủ tướng, ông tiếp tục nâng đỡ rút ông Minh ra và yêu cầu Bộ Y tế bổ nhiệm ông Minh làm Hiệu trưởng trường Đại học Kỹ thuật Y dược Đà Nẵng của chúng tôi. Và từ đó, Nguyễn Khắc Minh cùng nhóm cơ hội, nhóm thân quen do ông cài cắm vào, mặc sức lũng đoạn, đục khoét và phá nát trường chúng tôi; và điều đau lòng là công sức gây dựng của bao thế hệ từ lãnh đạo, thầy cô đồng nghiệp chúng tôi trong suốt gần 60 năm qua đã bị phá nát. Trong số đó, một số thầy cô đã mất (như thầy Quang), một số phải bỏ việc, chuyển công tác (như thầy Ngọc)… Và đau đớn nhất là Thầy PGS. TS Hoàng Ngọc Chương – người đã có công lèo lái, gây dựng đưa trường vốn từ trường Trung cấp KTYT TW2 lên trường Cao đẳng và tiếp tục nâng thành đại học như hôm nay. Nhưng khi ông Minh nắm ghế hiệu trưởng đã phủ nhận sạch trơn công sức những người tiền nhiệm, trong đó có công sức thầy Chương.
Đi đâu, ngồi với ai, trong buổi tiệc nhậu nào, ông Minh cũng đều mang quan hệ người nhà Thủ tướng Phúc ra dằn mặt, khoe khoang. Và ông ta đã tự tung tự tác, vô hiệu hóa tập thể Đảng ủy, Ban Giám hiệu nhà trường, tự quyết tất cả các chủ trương, chính sách hòng mang lại lợi ích nhất cho ông.
Tất cả các khoản mua sắm, chi tiêu rất mờ ám, nhất là công tác phí cao ngất ngưởng, mà ông ta bóng gió nói rằng dùng để phong bì bôi trơn cho mấy vị ở Bộ để mở ngành này, ngành nọ. Ông ta đục khoét ngân sách trên cơ sở mồ hôi, nước mắt của chúng tôi; mua hàng loạt đất, mua ô tô… Thu nhập của chúng tôi giảm từ 40 – 60%, trong khi số lượng tuyển sinh hàng năm đều tăng 15 – 20% (có nghĩa là khoản học phí cũng tăng theo).

Thứ Năm, 2 tháng 3, 2017

...dựng tượng đài Hồ Chí Minh bất thành tại nước Áo



Đặng Hà
25-2-2017
Ảnh 1: Bức tượng Hồ Chí Minh cao hơn 2 mét (kể cả bục) dự định được đặt trong công viên Donau tại thủ đô Viên của nước Áo. Ảnh: Đặng Hà
Ảnh 1: Bức tượng Hồ Chí Minh cao hơn 2 mét (kể cả bục) dự định được đặt trong công viên Donau tại thủ đô Viên của nước Áo. Ảnh: Đặng Hà
Nhân dịp kỷ niệm 45 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam – Áo, nhà nước Việt Nam mong muốn tặng thủ đô Viên của nước Áo một bức tượng bán thân Hồ Chí Minh, dự định được đặt trong công viên Donau. Mặc dù đã được cấp giấy phép, nhưng trước làn sóng chỉ trích, chống đối dữ dội thành phố Viên đã rút lại quyết định, đình chỉ dự án này.
Hội Hữu nghị Áo-Việt
Dự án thành lập tượng đài HCM được xúc tiến bởi Hội Hữu nghị Áo-Việt (một tổ chức thân nhà nước Việt Nam) có trụ sở ở thủ đô Viên của Áo. Năm ngoái ngày 03.08.2016 hội Hữu nghị Áo-Việt đã vui mừng thông báo trên trang web chính thức của hội rằng, thành phố Viên đã cấp giấy phép xây dựng tượng đài trong công viên Donau tại thủ đô Viên của nước Áo.
Chi phí xây dựng tượng đài ở công viên Donau sẽ do phía Việt Nam đảm nhận. Khi hoàn tất sẽ bàn giao cho giới hữu trách thành phố Viên quản lý, chăm sóc và bảo trì.
Dự kiến tượng đài Hồ Chí Minh sẽ được khánh thành vào cuối năm nay nhân kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Áo-Việt (1/12/1972 – 1/12/2017).
Ông Marcus Strohmeier thành viên Hội đồng quản trị của hội Hữu nghị Áo-Việt đồng thời là đảng viên của đảng SPÖ (đảng Dân chủ Xã hội Áo) là người đi vận động hành lang (Lobby) để chính quyền thành phố Viên cấp giấy phép cho dự án.
Ông từng trả lời phỏng vấn truyền hình ngày 06.12.2014 về đề tài quân đội nhân dân Việt Nam và ông đem ra khoe bức ảnh chụp ông hân hạnh được tiếp kiến đại tướng Võ Nguyên Giáp, người học trò xuất sắc của chủ tịch HCM.

Làn sóng phẫn nộ của người Việt khắp nơi trên thế giới
Thời gian kéo dài cho đến đầu năm 2017, mọi việc tưởng chừng như trôi chảy êm xuôi, chỉ còn chờ lễ khánh thành tượng đài HCM vào cuối năm nay. Nhưng vài ngày trước Tết ta, tổ chức Diễn đàn Việt Nam 21 ở Đức đã phát giác ra dự án này, lập tức viết thư phản đối gửi đến chính quyền thủ đô Viên của Áo và báo động cho đồng bào không những ở nước Đức mà khắp nơi trên thế giới. Trong kháng thư gửi đến chính quyền thành phố Viên được nhấn mạnh: “Chúng tôi chống xây dụng tượng đài Hồ Chí Minh vì quan niệm rằng tệ trạng sùng bái cá nhân, một dấu hiện nhận diện ra độc tài, dành cho một nhân vật chính trị và lịch sử mờ ám không phù hợp cho khung cảnh chính trị của xã hội dân chủ-tự do ở Áo.
Ngay sau đó Liên hội người Việt tỵ nạn tại CHLB Đức đã tổ chức thu chữ ký khắp nơi trên thế giới phản đối dự án này, đồng thời viết thư phản kháng gửi đến chính quyền Áo, các chính đảng và liên lạc với các hội đoàn người Việt ở Áo để kết hợp đấu tranh.
Hội Việt-Áo Văn Hóa và Dân Chủ đã phối hợp với các hội đoàn người Việt tị nạn cộng sản ở Áo, ở châu Âu để làm kiến nghị phản đối gửi đến các giới chức, dân biểu Áo và báo chí truyền thông.
Ngoài ra còn có nhiều hội đoàn và đoàn thể cũng như nhiều cá nhân khi hay tin đã nhiệt tình dấn thân góp phần đấu tranh dẹp bỏ tượng đài HCM.
Đặc biệt là Hội Việt Áo Văn Hóa và Dân Chủ đã vận động chính giới Áo rất thành công và có sự kết hợp làm việc chặt chẻ giữa Hội Việt Áo Văn Hóa và Dân Chủ và Liên hội người Việt tỵ nạn tại CHLB Đức.
Bùng nổ làn sóng chỉ trích, phê phán ở Áo
Nhờ vào các hình thức phản đối và đấu tranh nêu trên của người Việt tỵ nạn tại Áo vả Đức cũng như từ khắp nơi trên thế giới, chính giới và báo chí Áo đã chú ý đến dự án thành lập tượng đài HCM này.
Sau khi tuần báo Falter là tờ báo đầu tiên ở Áo đưa tin về dự án thành lập tượng đài HCM với câu hỏi: Tại sao lại như thế ?” thì báo chí nước Áo bắt đầu nhập cuộc.
Tờ báo Krone viết: “Vô số tội phạm chiến tranh, Hàng triệu người chết, tra tấn có hệ thống và khủng bố đẫm máu. Bảng thành tích đầy xác người này rõ ràng  là điều kiện lý tưởng để được vinh danh với một tượng đài ở thành phố Viên“, và bài báo trích lời của nữ ký giả trên tuần báo Falter: “thành phần 68 (phản chiến) trong cánh tả của tòa thị chính thủ đô Viên lại quên không nhắc đến những chiến dịch thanh trừng, những phát súng bắn vào gáy, những màn tra tấn ghê tởm nhất đối với những phi công Mỹ bị bắt hay những trại tù cải tạo cộng sản của Hồ Chí Minh”.

Thứ Sáu, 17 tháng 2, 2017

Cuộc chiến Vị Xuyên






5 năm sau khi kết thúc cuộc chiến tranh biên giới Việt – Trung (vào 16/3/1979), ngày 2/4/1984 CHNDTH lại gây ra cuộc chiến với Việt Nam ở khu vực Vị Xuyên thuộc tỉnh Hà Tuyên và kéo dài đến 5 năm mới thực sự chấm dứt (từ 2/4/1984 đến tháng 4/1989).
Lần này Đặng Tiểu Bình tự đặt tên cho cuộc chiến là “Phản công tự vệ”, nhằm đánh chiếm 1 phần lãnh thổ của Việt Nam rộng khoảng 50 Km2, đang thuộc quyền Việt Nam quản lý, nằm trong huyện Vị Xuyên, thuộc Hà Giang của tỉnh Hà Tuyên. Ông ta lập luận phần đất này xưa kia là của Trung Quốc, nay họ đánh chiếm lại.
Căn cứ bản đồ tỉ lệ 1/100.000 của Sở Địa dư Đông Dương (thời thuộc Pháp) xuất bản vào những thập niên 30, 40 và 50 của thế kỷ 20 và bản đồ tỉ lệ 1/50.000 của Mỹ đã xuất bản thì phần đất đó thuộc lãnh thổ Việt Nam, nằm bên trong đường biên giới, Suối Thanh Thủy và Sông Lô (xem bản đồ kèm theo). Bản đồ do Sở Địa dư Đông Dương xuất bản được lập theo công trình phân giới và cắm mốc tại vùng biên giới khu vực tỉnh Vân Nam của Trung Quốc, liên quan đến địa bàn Vị Xuyên thuộc Hà Giang của Việt Nam, thực hiện theo biên bản Pháp – Thanh phân giới số 3, ký kết ngày 13/6/1897 (Bản sao bản đồ của Sở Địa dư Đông Dương do nhà nghiên cứu Trương Nhân Tuấn sưu tầm từ tài liệu lưu trữ của Trung tâm văn khố Hải ngoại Pháp ở Aix-en Provence, gửi từ Pháp đăng trên BBC ngày 16/7/2016).
Địa bàn cuộc chiến và lực lượng mỗi bên:
Địa bàn chiến sự nằm trong phần đất được gạch chéo trên bản đồ, giới hạn bởi đường biên giới, Suối Thanh Thủy và Sông Lô, trong đó 2 điểm cao (đánh dấu ngôi sao) đã xảy ra những trận giao tranh rất khốc liệt là điểm cao 1509 phía Việt Nam gọi là Núi Đất, phía Trung Quốc gọi là Lão Sơn và điểm cao 1250 phía Việt Nam gọi là Núi Bạc, phía Trung Quốc gọi là Giả Âm Sơn. Địa bàn cuộc chiến này có chiều dài khoảng 20 Km chạy theo đường biên giới, vào sâu trong lãnh thổ Việt Nam khoảng 2,5 Km, tương ứng với chiều dài Suối Thanh Thủy và đường biên giới. Khoảng cách giữa đường biên giới và Suối Thanh Thủykhoảng 2,5 Km.
Lực lượng mỗi bên:
– Trung Quốc: Theo tài liệu của Trung Quốc công bố, từ 1984 đến 1989, họ đã huy động vào cuộc chiến này 17 sư đoàn bộ binh, 5 sư đoàn và lữ đoàn pháo binh thuộc các đại quân khu Côn Minh, Nam Kinh, Phúc Kiến, Tế Nam, Lan Châu, Thành Đô. Tổng số quân Trung Quốc thay nhau tham chiến khoảng nửa triệu người, trong đó nhiều đơn vị đã được huấn luyện chuyên nghiệp, không còn là những nông dân chân đất cầm súng như hồi họ gây ra chiến tranh biên giới với Việt Nam năm 1979.
 Việt Nam: đã huy động nhiều đơn vị chủ lực thay nhau tham chiến. Các đơn vị tham chiến thuộc quân khu 1 là trung đoàn 2 của sư đoàn 3, trung đoàn 567 của sư đoàn 322. Các đơn vị thuộc quân khu 2 là các sư đoàn bộ binh 313, 314, 316, 356, các đơn vị pháo binh, xe tăng, đặc công, công binh, thông tin, vận tải của quân khu 2, trung đoàn 247 của tỉnh đội Hà Tuyên, trung đoàn 754 của tỉnh đội Sơn La. Đặc khu Quảng Ninh có trung đoàn 568 thuộc sư đoàn 328 tham chiến. Các đơn vị chủ lực thuộc Bộ tham chiến có sư đoàn 31, sư đoàn 312, sư đoàn 325. Ngoài ra còn nhiều đơn vị cấp đại đội, tiểu đoàn trực tiếp tham chiến hoặc hỗ trợ chiến đấu.
Diễn biến cuộc chiến:

Thứ Tư, 1 tháng 2, 2017

Chính khách Trần Tuấn Anh




Lịch sử Việt Nam chưa từng có hai cha con đều là tội đồ của dân tộc; tuy nhiên sẽ có, nếu “Formosa 2” trở thành hiện thực.
____
Đỗ Mai Lộc
30-1-2017
                  Bộ trưởng Bộ Công thương, Trần Tuấn Anh. Nguồn: VNN
Bộ trưởng Bộ Công thương, Trần Tuấn Anh.  


Nhiệm kỳ Chính phủ trước, nổi lên một Đinh La Thăng, Bộ trưởng Giao thông Vận tải với những phát ngôn làm dậy sóng dư luận. Nhiệm kỳ Chính phù này, từ “vụ Trịnh Xuân Thanh” dẫn đến “nguyên” Bộ trưởng Công thương Vũ Huy Hoàng, và lôi theo những vụ ì xèo như: chạy chức, thất thoát, … của Bộ Công thương làm điểm nhấn của dư luận.
Dư luận xã hội quan tâm đến Bộ Công thương, Bộ trưởng bây giờ là ông Trần Tuấn Anh; muốn biết ông Trần Tuấn Anh sẽ giải quyết hậu quả cũ và chính sách mới của Bộ Công thương như thế nào?
Việc đầu tiên mang tính chất chiến lược với tư cách Bộ trưởng là ông Trần Tuấn Anh quyết tâm quy hoạch bằng được “Dự án thép Hoa Sen Cà Ná – Ninh Thuận”. Dự án này, nếu thực hiện sẽ tác động rất lớn đến vùng kinh tế Nam Trung Bộ và Tây Nguyên và ảnh hưởng đến cả nước ít nhất là 3 thế hệ.
Trên Wikipedia tiếng Việt, ngay dòng đầu tiên ghi “Trần Tuấn Anh (sinh ngày 6 tháng 4 năm 1964) là một chính khách Việt Nam”. Vì vậy, tìm hiểu về “chính khách Trần Tuấn Anh” qua những gì ông ta đã nói và làm được để hiểu được “tâm và tầm” của người quyết tâm quy hoạch bằng được Dự án Thép.
1. Trần Tuấn Anh nói: “Trước khi là một Bộ trưởng, tôi cũng là một công dân và chúng ta bình đẳng trước pháp luật.” (https://goo.gl/nYwtVq)
Điều này được hiểu là (a) từ khi ông làm Bộ trưởng thì không còn là “công dân” nữa. (b) “Bộ trưởng” và “công dân”: chúng ta bình đẳng trước pháp luật.
Phân tích (a): “Trước khi là một Bộ trưởng, tôi cũng là một công dân” tức là từ khi làm Bộ trưởng thì không còn là “công dân” nữa.
– Hiến pháp 2013, Điều 17.1 “Công dân nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là người có quốc tịch Việt Nam.”. Phải chăng ông đã từ bỏ “quốc tịch Việt Nam” và có một quốc tịch khác? Nếu không thì ông đã không nói “Trước khi …”, mà sẽ nói: “Dù là một Bộ trưởng, tôi cũng là một công dân”.
– Nếu cố gắng hiểu nghĩa theo cách các quan chức hay nói với dân là: “trước khi là cán bộ, tôi cũng là một người dân” để thể hiện sự gắn bó, đồng cảm với nhân dân. Thì:
Ngược đòng thời gian trở về trước, xem ông Trần Tuấn Anh đã làm “dân” khi nào?
Ông có quá trình làm việc trải qua nhiều cơ quan quản lý nhà nước (https://goo.gl/0s4WZx).
  • 01/1988-4/1994: Chuyên viên Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam.
  • 4/1994-6/1999: Chuyên viên Vụ Kinh tế đối ngoại, Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
  • 6/1999-6/2000: Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược và Chính sách công nghiệp, Bộ Công nghiệp.
  • 6/2000-5/2008: Phó Vụ trưởng, rồi Quyền Vụ trưởng, sau đó làm Vụ trưởng Vụ Tổng hợp kinh tế, Giám đốc Quỹ Ngoại giao phục vụ kinh tế, Bộ Ngoại giao; Tổng Lãnh sự Việt Nam tại San Francisco (Mỹ).
  • 5/2008-8/2010: Thành ủy viên, rồi Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Cần Thơ.
  • 8/2010-01/2016: Ủy viên ban Cán sự Đảng, Bí thư Đảng ủy Bộ, Thứ trưởng Bộ Công Thương, kiêm Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương.
  • Giai đoạn 15/8/2011-11/9/2013: Hiệu trưởng trường Đại học công nghiệp thành phố Hồ Chí Minh.
  • 26/01/2016 Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam.
  • 01/2016-4/2016: Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Ban Cán sự Đảng, Bí thư Đảng ủy Bộ, Thứ trưởng Bộ Công Thương, kiêm Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương.
  • 4/2016: Tại kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIII, được Quốc hội phê chuẩn, Chủ tịch nước bổ nhiệm giữ chức Bộ trưởng Bộ Công Thương.

Thứ Hai, 30 tháng 1, 2017

Đảng cộng sản Việt nam, ngã ba đường lịch sử : Tồn tại và diệt vong ?


 29/01/2017

 Lang Anh
29-1-2017
Các ông tổ cộng sản Karl Marx, Angels, Lenin, Stalin được so sánh với nhà lãnh đạo độc tài phát xít Hitler. Nguồn: internet
Các ông tổ cộng sản Karl Marx, Angels, Lenin, Stalin được so sánh với nhà lãnh đạo độc tài phát xít Hitler. Nguồn: internet
Phong trào cộng sản toàn cầu, được khởi xướng từ những nhà tư tưởng thủy tổ là Marx và Engels, cho đến khi được nhào nặn thành một nhà nước thực tế bởi một người có tư duy thực dụng là Lenin, đã trải qua một thời kỳ dài với những phép thử liên tiếp về mặt tư tưởng. Hầu hết những lý luận cốt lõi của lý thuyết cộng sản đều khá mù mờ, với nền tảng là một xã hội ảo tưởng dựa trên khao khát và hiện nay thì đã bị phủ nhận hoàn toàn.
Trong khi đó, con đường mà những đệ tử của Marx tìm cách đến với xã hội chỉ có trong mơ đó thì lại đầy rẫy sai lầm. Kết quả của những phép thử về mặt tư tưởng này là một thế giới bị cày xới bởi những biến động xã hội sâu sắc. Có nhiều triệu sinh mạng đã phải trả giá trong những cuộc chiến đẫm máu, nhiều quốc gia chìm vào vài chục thập niên trong bóng tối để đến lúc nhận ra thì đất nước đã phải trả giá nặng nề và họ lại phải bắt đầu lại từ vạch xuất phát, trong khi phần còn lại của thế giới đã có những bước tiến quá xa trong lộ trình hướng tới văn minh.

Thời hoàng kim của những lý thuyết cộng sản là những năm 1960. Khi đó người ta thống kê được trên dưới 100 quốc gia áp dụng theo hoặc mô phỏng theo các mô hình tổ chức xã hội mang sắc thái cộng sản. Sự đào thải của thực tế là một phép thử rất đắt giá. Ngày nay chỉ còn năm quốc gia tự nhận là hậu duệ của những nhà cách mạng cộng sản, gồm Trung Quốc, Việt Nam, Bắc Triều Tiên, Lào và CuBa. Toàn bộ các chế độ cộng sản còn lại đều đã bị lịch sử đào thải.
Với 5 chế độ cộng sản còn đang thoi thóp, họ cũng chẳng còn chút bóng dáng nào của những mô hình xã hội mà họ tuyên bố kế thừa. Cốt lõi lý luận của họ đều đã bị chính họ đào thải về mặt thực tiễn, phần còn lại chỉ là một xã hội lai căng quái đản giữa thể chế cai trị độc tài và nền kinh tế thị trường vay mượn từ các nước phương tây. Trong năm quốc gia đó, Trung Quốc đạt được những bước tiến rất mạnh mẽ trong khoảng 45 năm qua và hiện được coi là cường quốc số hai thế giới. Việt Nam có những cải cách vay mượn học theo ở một trình độ thấp hơn và lọt tốp các quốc gia có mức thu nhập trung bình thấp, trong khi đó, Bắc Triều Tiên thoái lui trở lại thành một xã hội phong kiến, hai quốc gia kế chót còn lại thì đang ngấp nghé bởi những trào lưu hứa hẹn sự tan rã của các chính thể độc tài.
Sự phát triển của Trung Quốc thường được các tay tuyên huấn cộng sản tuyên truyền như một khởi đầu mới của các lý thuyết cộng sản. Trên thực tế, chính bản thân những nhà lãnh đạo cao nhất của Trung Quốc cũng hiểu rất rõ họ đang đối mặt với sự sụp đổ từ bên trong, và thời gian tồn tại của nền cái trị độc tài cộng sản ở quốc gia này là một chiếc đồng hồ đếm ngược. Sự lai căng quái đản giữa mô hình cái trị độc tài và nền kinh tế thị trường ở Trung Quốc và Việt Nam đã tạo ra những vấn nạn mà các chế độ này không thể tự giải quyết được. Toàn bộ nền tảng lý luận của họ đã bị thực tế phủ nhận và lộ rõ tính ảo tưởng, những đảng viên từ cấp thấp nhất đến cấp cao nhất lâm vào sự khủng hoảng khi không còn lý tưởng soi đường. Trong khi đó, quyền lực độc tài và những món lợi kinh tế được tạo ra từ sự cấu kết giữa quyền lực chính trị và các hoạt động kinh tế tư bản rừng rú đã khiến bộ máy cai trị của họ tha hoá nhanh chóng đến tận gốc rễ. Trên thực tế, tất cả các đảng viên từ cấp thấp nhất đến cấp cao nhất tại Trung Quốc và Việt Nam đều không sống bằng những nguồn thu nhập công khai, họ vơ vét tiền và làm giàu nhanh chóng từ những lợi thế quyền lực và thông tin mà chế độ ban phát cho họ. Bằng cách vay nợ và đánh đổi các giá trị môi trường, Trung Quốc đạt được nhiều thành tích kinh tế ngắn hạn, nhưng đi kèm với nó là sự tha hoá của toàn bộ đội ngũ cầm quyền. Tập Cận Bình khá thực lòng khi phát biểu công khai trong một hội nghị cấp cao của Đảng Cộng Sản Trung Quốc vào năm 2012: “Chúng ta đang phải dựa vào một đội ngũ tội phạm để cai trị đất nước”
Hầu như không còn ai tại Trung Quốc và Việt Nam còn tin rằng chế độ cai trị có thể trường tồn. Câu cửa miệng của các quan chức Trung Quốc khi gửi vợ con và các tài sản vơ vét được ra nước ngoài là: “Cũng chẳng còn được lâu nữa đâu”. Trên thực tế các xã hội như Trung Quốc và Việt Nam từ lâu đã biến thành những xã hội phân biệt đẳng cấp sâu sắc. Nếu có những thống kê thực tế về tài sản của các Đảng viên Đảng cộng sản cỡ trung cao cấp và toàn bộ phần còn lại của đất nước thì chắc chắn rằng hầu hết các tài sản và nguồn lực kinh tế của những quốc gia này đều nằm dưới sự chi phối, sở hữu và thao túng của các hậu duệ cộng sản. Khởi nguồn từ những cuộc đấu tranh giai cấp, nhưng hiện nay chính họ lại là một giai cấp mới, sở hữu hầu kết các nguồn lực kinh tế và sở hữu tuyệt đối về quyền lực chính trị. Tất nhiên, kiểu tồn tại của họ sẽ không thể lâu dài, vì tự thân nó là nguyên nhân của sự diệt vong. Vậy nhưng các nhà nước cộng sản tại Trung Quốc và Việt Nam vẫn đang tồn tại và cố tìm mọi cách níu kéo quyền lực của mình.
Bằng cách tận diệt tài nguyên và đánh đổi các giá trị môi trường, Trung Quốc tạo được nhiều thành tích ấn tượng về phát triển kinh tế ngắn hạn. Đây được coi là thứ bùa thiêng để các nhà tuyên huấn của Đảng Cộng Sản Trung Quốc tuyên truyền nhằm duy trì tính chính danh của mình. Tuy nhiên, đó là sự phát triển không có ngày mai vì đó là sự vay mượn tận diệt từ tương lai để đốt hết cho hiện tại. Trong lúc các vấn nạn về tham nhũng, tha hoá, bất bình đẳng và sự kìm kẹp xã hội đến nghẹt thở càng lúc càng nặng nề. Ở chiều ngược lại là một nền tảng dân chúng ngày một khao khát tự do. Một điều gần giống như thế cũng diễn ra ở Việt Nam, tuy nhiên chế độ cộng sản ở Việt Nam kém thành công hơn trong việc tạo ra các thành tích kinh tế ngắn hạn (điều không may) và đồng thời cũng kém thành công hơn trong việc bóp nghẹt sự giao lưu về các lý tưởng tự do (điều may mắn). Giữa hai chế độ độc tài cộng sản có thể coi là còn hùng mạnh này, Việt Nam có nhiều cơ sở để tạo ra sự đổi thay nhanh hơn Trung Quốc.

Thứ Năm, 12 tháng 1, 2017

Năm Đinh Dậu ngẫm về " Kê minh thập sách "

Nguyễn Khắc Mai
11-1-2017
Kê Minh Thập Sách tại đền thờ bà Nguyễn Thị Bích Châu. Nguồn: internet
Kê Minh Thập Sách tại đền thờ bà Nguyễn Thị Bích Châu. Nguồn: internet
Kê Minh Thập Sách, nghĩa là Mười Chính Sách (dâng) Lúc Gà Gáy Sáng, tương truyền là của Nguyễn Cơ Bích Châu, một vị phi hậu của vua Trần Duệ Tông (1336-1377).
Theo Truyền Ký Tân Phả của Đoàn Thị Điểm, Bà “là con gái nhà quan, tính cách cứng cỏi, tư dung tươi đẹp, thông hiểu âm luật Lê viên, theo đòi văn từ nghệ phố, vua Trần Duệ tông nghe tiếng cho tuyển vào cung”. Nhân thấy chính sự triều Trần, sau khi Dương Nhật Lễ tiếm quyền, ngày càng suy kém, Bà liền thảo bài “Kê Minh Thập Sách” dâng lên (Kê Minh, tên một bài thơ trong Kinh Thi, nói về một bà Hậu, nghe gà gáy sáng liền khuyên nhà vua trở dậy đi dự phiên chầu. Tên bài thơ về sau được dùng để nói việc vợ khuyên chồng lo việc quốc gia).
Các nhà nghiên cứu Kê Minh Thập sách như Vũ Ngọc Khánh, Chương Thâu, Hữu Ngọc… đều khẳng định tiếng gà gáy là hình tượng của sự thức tĩnh. Hữu Ngọc trong một bài viết đăng trên Le Courrier du Vietnam có nhan đề “Tiếng gà gáy vọng về qua nhiều thế kỷ”. Liệu tiếng “Kê minh” đã vang vọng từ bảy thế kỷ nay, có làm thức tỉnh điều gì trong chúng ta, khi bước vào thời kỳ mới của công cuộc chấn hưng và phát triển đất nược hay không? Quả thật mỗi điều là một minh triết. Nó không phải là tư duy duy lý, mà là những chân lý giản đơn, có tính khái quát, phổ cập rất cao. Chúng giống như những công thức, mà mỗi thời đều có thể đem dùng trong những bài toán cụ thể về chính trị, kinh tế, văn hóa, dân sinh của thời đại mình.
Mở đầu, Bà nêu lại một phương châm phòng ngừa từ xa “cư an tư nguy”, ở vào thời yên phải tính lúc nguy, gây nền trị từ khi chưa loạn.
Thập sách của Bà dâng lên gồm bốn chính sách về chính trị, hành chính, hai chính sách về văn hóa, giáo dục, tư tưởng, và bốn chính sách quân sự. Chúng tôi mạo muội gọi là những Minh Triết Trị Nước An Dân.
Ở hàng đầu, Bà nêu lên vấn đề có tính nguyên tắc, đạo lý của mọi đường lối chính trị. Đó là đạo lý tôn dân. Bà nói “Phù Quốc bản, hà bạo khử tắc Dân tâm tự an”. Có nghĩa là nâng lên, đề cao gốc nước. Gốc nước, chính là người dân. Trong truyền thống đạo trị nước của Việt Nam từ ngàn xưa, nguyên lý “Quốc dĩ dân vi bản” – Nước lấy dân làm gốc bao giờ cũng được coi như nguyên lý số một. Mà để làm được điều đó thì hàng đầu lại là phải bỏ đi mọi hà khắc, bạo ngược trong mọi ứng xử. Từ luật pháp, đên chính sách cụ thể cho đên phương thức, phương châm phương pháp để điều hành xã hội trong mọi mối quan hệ dù ở cấp vĩ mô hay ở cơ sở.

Thứ Bảy, 7 tháng 1, 2017

Lời giới thiệu: Petru Ký - Nỗi oan thế kỷ


Trương Vĩnh Ký hay Petrus Ký (1837-1898) là một học giả uyên bác trên nhiều lĩnh vực từ ngôn ngữ, lịch sử, địa lý, từ điển đến văn học, nghệ thuật, văn hóa… Ông sớm theo đạo Thiên Chúa và được đào tạo tại nhiều chủng viện, từ tiểu chủng viện Cái Nhum (Nam Kỳ) đến chủng viện Pinhalu (Campuchia) rồi đại chủng viện Poulo-Penang (Malaysia). Ông rất thông minh và có năng khiếu đặc biệt về ngôn ngữ, thông thạo nhiều ngôn ngữ từ Hán, Nôm đến tiếng Latin, Pháp, Anh, Hy Lạp, Ấn, Nhật, cả tiếng Khmer, Thái, Lào. Ông để lại một di sản đồ sộ với khoảng gần 100 tác phẩm sách, báo, luận văn, bao gồm những khảo cứu về lịch sử, địa lý, ngôn ngữ đến bút ký, sáng tác thơ văn, dịch sách Hán, phiên âm truyện Nôm, từ điển. Ngoài ra, ông còn để lại nhiều thư bằng tiếng Pháp, tiếng Latin và quốc ngữ giao thiệp với các nhân vật đương thời và một số di cảo, tư liệu chưa ai có thể thống kê đầy đủ.
Trước khi làm giám đốc trường Thông ngôn, Trương Vĩnh Ký còn làm chủ bút Gia Định báo. Trên phương diện quốc tế, ông đã từng là thành viên Hội Nhân đạo và Khoa học miền Đông Nam nước Pháp, thành viên thông tấn trường Đông phương Ngữ học, hội viên Hội Á châu. Ông còn được ghi nhận là một trong 18 học giả hàng đầu quốc tế (1873-1874).
Ngoài công việc giảng dạy, biên phiên dịch và viết lách, Trương Vĩnh Ký có thời gian tham gia vào các hoạt động chính trị khác như tham gia Hội đồng thường trực nghiên cứu tổ chức lại nền giáo dục Nam Kỳ, Hội đồng thị xã Sài Gòn, được cử vào Viện Cơ mật của Nam triều, làm Giám quan cố vấn cho Đồng Khánh. Chính từ những hoạt động này mà trong giới nghiên cứu đã từng có những nghi vấn, phê phán gay gắt.
Học giả Nguyễn Đình Đầu là người đã dày công nghiên cứu về Petrus Ký, đã thu thập được nhiều tư liệu về Trương Vĩnh Ký trong Thư viện Hội Nghiên cứu Đông Dương (Société des Études indochinoises), Trung tâm lưu trữ Hội Thừa sai Paris (Société des Missions étrangères de Paris) và đã dịch, chú thích, xuất bản một số tác phẩm của Trương Vĩnh Ký.