Thứ Bảy, 23 tháng 12, 2017

Thành quả Cách mạng

Nguyễn Đình Cống
Hiện nay, hiểu về TQCM có nhiều cách khác nhau. Vậy thế nào là đúng?
TQCM là những thứ mà nhân dân ta có được như bây giờ, mà quan trọng nhất là chính quyền (CQ). Làm CM là để giành CQ. Kháng chiến 9 năm là để giải phóng đất đai và lập CQ. Chiến tranh Bắc - Nam 20 năm cũng là để lập CQ thống nhất trên cả nước. Vậy bảo vệ TQCM chủ yếu là bảo vệ CQ.
Nhưng CQ được nói ở đây phải thật sự là của dân, do dân, vì dân, phải thật sự công minh, liêm khiết, thật sự dân chủ chứ không phải CQ như hiện nay. CQ hiện nay, ngoài mồm vẫn to tiếng tuyên bố đề cao dân chủ, vững mạnh nhưng thực tế đa số phạm tham nhũng, cửa quyền, nặng nề mà bất lực, thiếu công minh… Muốn biết mức độ tốt xấu thì phải đem so sánh với CQ các nước tiên tiến mới rõ được. Vậy CQ như thế có phải là TQCM? Cha anh và chúng ta phấn đâu, hi sinh để làm CM, phải chăng để tạo ra một CQ như vậy?
Ngay cả khi có một CQ tốt đẹp thì đó cũng mới chỉ là một trong những nhiệm vụ trung gian chứ chưa phải thành quả cuối cùng của CM. Phải suy nghĩ tiếp: CQ tốt để làm gì? Để bảo vệ độc lập của đất nước, để lo cho tự do và hạnh phúc của nhân dân, để chống lại áp bức, bất công và mọi cái ác trên đời. TQCM chính là độc lập, tự do, hạnh phúc. Đó là mục tiêu mà lãnh tụ Hồ Chí Minh đề ra từ đầu. Tuy vậy Người nói: Nước độc lập mà dân không được tự do và hạnh phúc thì độc lập ấy chẳng để làm gì". Vậy CQ chỉ là phương tiện chứ không phải mục đích hoặc thành quả cuối cùng của CM. Phải cùng khẳng định: TQCM là tự do và hạnh phúc của nhân dân.
Hãy nhìn kĩ vào CQ hiện tại. Nó cồng kềnh, kém hiệu lực, là nơi phát sinh và dung dưỡng tham nhũng, cửa quyền, nơi tạo ra áp bức và oan sai, nơi các nhóm lợi ích thao túng và lo làm giàu cho gia đình, phe nhóm. CQ ấy không thể mang lại tự do và hạnh phúc cho nhân dân. Trung tướng Trần Độ viết: "Những mong xóa ác ở trên đời - Ta phó thân ta với đất trời - Tưởng ác xóa rồi thay cực thiện - Không ngờ cái ác lại luân hồi". Cái ác luân hồi mà ông nói tới chính là do CQ mới gây ra.
Chúng ta nghe giải thích rằng sự hư hỏng, tệ nạn của CQ là do một số cán bộ thoái hóa, biến chất tạo nên. Nhận xét này mới nghe qua thì thấy đúng nhưng thực ra nó chỉ mới chạm đến ngọn mà chưa đụng đến gốc. Hỏi tiếp. Một số là số nào, ở đâu ra? Đó là số rất đông, rất phổ biến, từ trong các cơ quan Đảng và CQ. Chúng do chế độ độc tài toàn trị sinh ra, nuôi dưỡng. Tới khi chúng lớn mạnh, kéo bè kết cánh, gây bao tai họa thì mọi người mới giật mình.

Thứ Bảy, 9 tháng 12, 2017

Trời sinh Võ Nguyên Giáp để làm gì?


Thuận Văn 
Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Ảnh TLG
Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Ảnh TLG
Võ Nguyên Giáp đã về với đất giữa những tiếng tung hô về “thiên tài quân sự” và “phẩm cách thánh nhân” của ông, giữa những lời phân trần biện minh cho thất bại chính trị của ông, cả những nhận xét điềm đạm hay phê bình gay gắt nhất đối với ông. [1] Không nhất thiết phải đóng góp thêm cái không khí ồn ào khi “tang lễ quốc gia” sặc mùi đồng bóng vừa mới bị cắt ngang một cách chưng hửng ngay tại thủ đô để tiếp khách giống như là… chạy cưới, tôi vẫn cảm thấy thiếu thiếu, vẫn còn có một câu hỏi chưa có lời đáp ở nhân vật này. [2]
Câu hỏi đó là: “Trời” sinh ra Võ Nguyên Giáp để làm gì?
Đã ca ngợi ông là một “thiên tài quân sự”, là “thánh nhân” thì phải thừa nhận chuyện “Trời sinh”: sinh ông ra, rồi phú cho ông một “thiên tài”, một phẩm cách “thánh nhân”, ắt hẳn “Trời” đã sắp đặt sẵn cho ông một chương trình, một mục đích và ý nghĩa nào đó, cho đời.
Như thế thì cái ý nghĩa “thiên mạng” đó phải thể hiện trong sự nhất quán, trong mối quan hệ tương liên giữa những chặng đời mâu thuẫn mà những kẻ xưng tụng ông vẫn ấm ức gọi là “nghịch lý”, cái “nghịch lý” của cuộc đời khởi đầu vinh quang trong vai trò “cầm quân” tại chiến trường Việt Bắc để rồi tiếp tục một cách ê chề với những tháng năm “cầm quần” giữa những mưu mô chính trị hậu cung tại Hà Nội, nói theo một câu ca dao hiện đại. [3]
Sự nhất quán giữa hai thái cực “cầm quân” và “cầm quần” ấy có thể nhìn qua học thuyết của Thomas Malthus, nhưng đầu tiên là “thiên tài” và phẩm cách của ông Giáp.
Chúng ta thán phục một người là có “tài” khi kẻ đó làm được những điều mà kẻ khác làm được nhưng làm bằng cách nhanh hơn, với cái giá rẻ hơn mà có thể đem lại kết quả hay hơn. Chúng ta ngưỡng mộ một bậc “thiên tài” khi kẻ đó làm được những điều độc sáng mà chưa ai từng làm được hay, không chỉ hơn khối kẻ bình thường khác qua cách làm nhanh nhất, bằng cái giá rẻ nhất nhưng mang lại kết quả mỹ mãn nhất mà còn có thể, qua cách ấy hay việc ấy, để lại một dấu ấn hay những ý nghĩa khó phai nhạt qua những ảnh hưởng đến người khác, ít ra là trong lĩnh vực của mình.
Nếu “thiên tài” của Võ Nguyên Giáp kết tinh ở chiến thắng Điện Biên Phủ “lẫy lừng” thì cái tài trời phú ấy không thể chấm hết sau phút giây bắn pháo hoa mừng chiến thắng mà còn phải để lại những ý nghĩa “lẫy lừng” nào đó, ít nhất là cho riêng vùng đất ấy, và ít ra là trong đường lối quân sự sau đấy.
Ông là “thiên tài quân sự”, thế nhưng với những đồng chí thuộc vai vế đàn em “thiên tài” ấy chẳng có một tý ty trọng lượng, chẳng để lại một dấn ấn hay ý nghĩa hay ảnh hưởng nào, ngay trong lĩnh vực quân sự. Gạt ông ra ngoài trong những quyết định trọng đại về chiến tranh, Lê Duẩn và Lê Đức Thọ đã không đếm xỉa gì đến “thiên tài” của ông. Chiến dịch Mậu Thân, họ chỉ báo trước có một ngày. Chiến dịch Quảng Trị, khi xương cốt bộ đội trắng cả đáy dòng Thạch Hãn, họ cũng bỏ ngoài tai những ý tưởng chiến thuật của ông. [4]
Và “chiến thắng lẫy lừng” ấy cũng chẳng mang lại một ảnh hưởng tích cực nào cho những vùng đất hay con người đã trực tiếp và gián tiếp trả giá. Không nói xa xôi đến “đất nước” hay “dân tộc”, gần ba phần tư thế kỷ sau ngày chiến thắng, những “an toàn khu”, những “căn cứ địa”, những “chiến khu gió ngàn” nuôi dưỡng nên chiến thắng ấy vẫn tiếp tục là những vùng đất đói nghèo nhất nước và, phần đông, thế hệ trẻ lớn lên ở đó, muốn đổi đời thì chỉ có thể, hoặc ngược sang Lào theo những “cung đường ma túy”, hoặc bỏ xuôi làm thuê hay làm đĩ. [5]
Giới hâm mộ Võ Nguyên Giáp viện dẫn sự thất thế chính trị để biện minh cho sự vô can của ông trước giá đắt trong Mậu Thân 1968 và Quảng Trị 1972-1973, thế nhưng cái giá của Điện Biên Phủ 1954 đâu có rẻ chút nào? Bao nhiêu nông dân cầm súng đã gục ngã, bao nhiêu tài nguyên đã tiêu tốn và những món nợ “xã hội chủ nghĩa anh em” với hậu quả nhãn tiền về sự phụ thuộc? Mà, xét cho cùng, nếu tướng tài là vị tướng không cần đánh mà có thể lấy được thành thì, chẳng cần đến những “chiến công chấn động thế giới” kiểu ấy, những cựu thuộc địa có cùng hoàn cảnh tại Á châu không chỉ đã giành lại độc lập với cái giá rẻ hơn mà, hơn thế nữa, còn vươn tới những kỳ tích hậu thuộc địa lẫy lừng hơn, rất nhiều.
“Chiến thắng lẫy lừng” ấy là một món hàng xa xỉ, cực kỳ hoang phí, không chỉ hoang phí bằng xương bằng máu mà còn hoang phí bằng sự tụt hậu và phụ thuộc, phụ thuộc ngay vào kẻ thù truyền kiếp, kẻ thù đã xâm lăng đất nước chúng ta nhiều lần hơn ai hết, chiếm đóng đất nước lâu dài hơn ai hết.
Cái chiến thuật thí thịt người chẳng có gì độc đáo sáng tạo về mặt quân sự của ông Giáp, gợi nhắc một giai thoại về Napoléon Bonaparte khi bị một viên thống chế dưới quyền thắc mắc trước một quyết định thí quân: “Chỉ một đêm của Paris là đủ”. Chỉ một đêm thôi, và riêng tại Paris thôi, sẽ có bao nhiêu cặp nam nữ cuồng nhiệt quấn quýt vào nhau, sẽ có bao nhiêu tinh trùng bắn ra, sẽ có bao nhiêu tinh trùng tiến về bắt rễ trong buồng trứng để từ đó mở ra một mầm sống mới và, với Napoléon, thế là đủ. Đủ để bù lại những sinh mạng bị ông ta vung vãi trước trận địa mà đối phương đã bày bố sẵn sàng.