Thứ Ba, 22 tháng 8, 2017

Những điều trao đổi nhân vụ Trịnh Xuân Thanh

Xa Tổ quốc gần nỗi đau Tổ quốc
Trải nỗi lòng mong nhẹ bớt nỗi đau
              Hoàng Xuân Phú




Cái tên Trịnh Xuân Thanh (TXT) sẽ đi vào lịch sử. Song không phải vì tội "cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng", hay vì tội tham nhũng. Dù đã gây ra những hậu quả rất tệ hại, nhưng trong hàng ngũ các đồng chí thi đua phá phách - vơ vét, thì tầm vóc của Thanh vẫn còn khá khiêm tốn. So với các đại ca thì Thanh mới như"trẻ nhỏ đua đòi". Còn so với mấy bố già thì Thanh càng chưa thể sánh ngang vai trên con đường hại dân hại nước. Bởi thế, khi các đại ca và bố già vẫn nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật, thậm chí còn vắt vẻo trên đỉnh cao quyền lực, thì chắc Thanh cũng khó cam lòng "đầu thú".
Thiên hạ sẽ dùng tên TXT để đề cập một diễn biến hiếm có trong lịch sử ngoại giao, mà đọng lại là hình hài đích thực của kiểu pháp quyền sản xuất tại Việt Nam. Vốn dĩ, thi hành công vụkiểu giang hồ là chuyện thường ngày ở xứ "dân chủ vạn lần tư bản". Song lần này đặc sản"luật rừng" được xuất khẩu sang khối Cộng đồng chung Châu Âu, và công diễn giữa trung tâm Thủ đô Berlin của Cộng hòa Liên bang Đức.
Sau mười ngày điều tra và cân nhắc thận trọng, ngày 2/8/2017 Bộ Ngoại giao CHLB Đức đã rathông cáo báo chí, trong đó khẳng định:
"Việc bắt cóc công dân Việt Nam Trịnh Xuân Thanh trên lãnh thổ Đức là sự vi phạm trắng trợn chưa từng có đối với luật pháp Đức và luật pháp quốc tế."
"Chính phủ Liên bang Đức đòi hỏi, rằng ông Trịnh Xuân Thanh có thể quay lại Đức ngay lập tức, để cả đề nghị dẫn độ và đơn xin tỵ nạn đều có thể được xem xét đến cùng đúng theo trình tự pháp lý."
"Liên quan đến phát biểu của Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Đức xung quanh vụ việc Trịnh Xuân Thanh, tôi lấy làm tiếc về phát biểu ngày mùng 2 tháng 8 của Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Đức."
Vâng, "tiếc" về "phát biểu của người phát ngôn Bộ Ngoại giao Đức". Như thể phật ý, vì phát biểu của phía Đức có điều gì sai trái, hay không hợp lý. Khi phóng viên nước ngoài hỏi "Việt Nam có xác nhận lời cáo buộc bắt cóc Trịnh Xuân Thanh không", thì bà Hằng trích dẫn:
"Theo thông báo ngày 31 tháng 7 của Bộ Công an Việt Nam thì ông Trịnh Xuân Thanh đã ra trình diện và đầu thú."
Vậy là nhà cầm quyền Hà Nội không trực tiếp bác bỏ cáo buộc bắt cóc TXT của phía Đức (vì"ra trình diện và đầu thú" không có nghĩa là trước đấy không bị bắt cóc). Song cũng không công khai thừa nhận và chẳng có hồi đáp chính thức về cáo buộc của phía Đức. Có lẽ vì thế,Bộ trưởng Ngoại giao Đức Sigmar Gabriel đã phải nhấn mạnh (trong bài trả lời phỏng vấn đăng trên báo Stuttgarter Nachrichten ngày 6/8/2017):
"Hành vi của mật vụ Việt Nam trên lãnh thổ Đức là hoàn toàn không chấp nhận được. Tôi muốn nói hết sức rõ ràng rằng: Chúng tôi không bao giờ chấp nhận trò ấy, và cũng sẽ chẳng để yên việc ấy."
Trong khi nhà cầm quyền Hà Nội làm thinh, thì dư luận người Việt trên thế giới ảo cực kỳ sôi động. Người thì phê phán chính quyền Hà Nội, người lại tỏ ra đồng tình. Số đồng tình dựa trên niềm tin chân chất, rằng việc bắt cóc TXT (nếu có) là cần thiết cho nỗ lực chống tham nhũng. Và rằng động cơ của thế lực ra lệnh bắt cóc TXT chỉ đơn thuần là nghiêm trị kẻ tham nhũng. Còn tính hợp pháp của hành vi bắt cóc ư? "Mục đích biện minh cho phương tiện." Vả lại, "thế giới" cũng làm thế cả. Có điều, khi xòe tay điểm danh để chứng minh hùng hồn, rằng việc chính quyền một nước tổ chức bắt cóc ở nước ngoài vì mục đích tử tế là thông lệ quốc tế, thì chỉ duỗi được vài ngón. Còn ngón tiếp theo thì tần ngần, chẳng biết chỉ về đâu. Thử hỏi, bắt cóc kiểu ấy là hành xử bất thường của vài siêu cường, mà cộng đồng đành phải cắn răng chịu đựng? Hay của nhà nước đại diện cho dân tộc đã từng bị vùi dập trước sự làm ngơ của các cường quốc, tới mức hậu thế vẫn còn cảm thấy mắc nợ? Hay của mấy nhà cầm quyền mà thế giới văn minh phỉ nhổ?
Điều đáng bàn là có "một bộ phận không nhỏ" chỉ trích mạnh mẽ phản ứng của phía Đức. Họ cho rằng phía Việt Nam hành động như vậy là đúng, nên phía Đức phát ngôn như vậy là sai. Thậm chí cho rằng "Đức... dung dưỡng cho một tên tội phạm như Trịnh Xuân Thanh", và lên án "thói đạo đức giả của nhà cầm quyền Berlin". Những chỉ trích nặng nề kiểu ấy không chỉ được đăng trên các trang cá nhân, mà trên cả báo quốc doanh, chẳng hạn bài "Vụ Trịnh Xuân Thanh về nước đầu thú: Bộ Ngoại giao Đức hồ đồ hay mua phiếu?"– đăng ngày 18/08/2017 trên Tuần báo Văn nghệ của Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Thành phố Hồ Chí Minh.
Thật khó dung hòa giữa tư duy pháp quyền "vùng sâu vùng xa" với tư duy pháp quyền kiểu Đức. Vốn cả đời chung sống với luật rừng và tiếp xúc với lối hành xử giang hồ của quan chức bản địa, nên tưởng rằng như vậy mới hợp lẽ tự nhiên. Thành thử khó chấp nhận lối tư duy pháp lý xa lạ, máy móc của "bọn Tây". Cũng giống như trai bản, quen đi rừng phạt cây mà tiến, nay lạc vào đô thành thì khó chịu với đèn đỏ đèn vàng, bởi cho rằng chúng cản trở giao thông.
Nếu những ý kiến ấy chỉ thể hiện tư duy quần chúng, thì phải tôn trọng quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí của họ. Nhưng trong số đó có cả ý kiến từ giới luật sư. Với những lập luận pháp lý tưởng chừng rất vững chắc, nhưng tiếc rằng lại sai. Vì vậy, tôi viết bài này để trao đổi, với hy vọng làm rõ hơn một số cơ sở pháp lý của vụ việc, để từ đó mà hiểu đúng và có cách ứng xử hợp lý.