Chủ Nhật, 6 tháng 11, 2016

Thất bại về đối ngoại của Việt nam




Nguyễn Đình Cống
5-11-2016
Đối ngoại và đối nội không phải chỉ là hoạt động của Quốc gia mà là của mọi tổ chức, mọi gia đình, mọi con người. Có 2 loại người với xu hướng khác nhau, hướng nội và hướng ngoại. Thông thường người hướng nội quan tâm nhiều đến đối nội, người hướng ngoại thích thú với đối ngoại hơn. Nhưng hướng về một phía nhiều quá sẽ thành cực đoan, không tốt. Vấn đề là giữ được quan hệ, giữ được cân bằng giữa hai lĩnh vực này.
Ngẫm nghĩ cho kỹ thấy rằng đối nội là gốc gác, cách gì cũng phải có. Vì vậy đối ngoại phải xuất phát từ đối nội và phục vụ cho đối nội. Trong hai việc, nếu bắt buộc phải ưu tiên cho một việc thì người khôn ngoan sẽ chọn đối nội, phải làm tốt đối nội mới có cơ sở vững chắc để đối ngoại. Ngược lại những người mắc “bệnh sĩ” sẽ chọn đối ngoại. Họ quá xem trọng hình thức và lời khen chê của mọi người, cố làm ra vẻ ta đây sang trọng, giỏi giang. Ca dao VN có bài nhận xét về loại người này: “Ra đường võng giá nghênh ngang/ Về nhà hỏi vợ cám rang đâu mày…”.

Bệnh sĩ của một con người đã tai hại, bệnh sĩ của một dân tộc, một đất nước càng tệ hại hơn. Nhưng nói bệnh sĩ của dân tộc có lẽ không đúng mà là của những người lãnh đạo, quản lý rồi lây lan ra trong xã hội. Khi đối nội chưa được tốt mà muốn khuếch trương đối ngoại để được nhiều tiếng khen thì buộc lòng phải tìm cách che giấu những thói hư tật xấu, che giấu những tệ nạn gặp phải. Như thế là phạm vào tội dối trá.
Các nước đều rất quan tâm đến ngoại giao. Tuy vậy cũng có một số nước ít quan tâm, họ chú trọng nhiều hơn đến đối nội. Bhutan là một trong những nước như vậy. Ở đó nhân dân được hưởng nền tự do, hạnh phúc vào loại bậc nhất của Châu Á và Thế giới, nhưng trong nhiều năm trước đây (và ngay cả bây giờ) Bhutan có rất ít quan hệ ngoại giao với các nước, đặc biệt không quan hệ với Trung Quốc, mặc dầu 2 nước có biên giới chung khá dài.
Trong hơn 70 năm qua, đối ngoại của Chính phủ Việt Nam có nhiều thành tích tốt đẹp và cũng phạm phải nhiều sai lầm, thất bại. Thành tích đã được nói và viết nhiều, tôi không phủ nhận, chỉ xin không viết lại. Vì là ý kiến phản biện nên chỉ viết về một số việc được cho là thất bại hoặc sai lầm. Không biết trong các tài liệu mật Chính phủ có tổng kết về chúng hay không, còn công khai không thấy nói đến, hoặc chỉ nói chung chung. Tôi chỉ muốn kể ra và phân tích một vài điều để ai cần thì rút ra bài học và kinh nghiệm.Tôi không làm trong ngành ngoại giao, những điều tôi kể ra chỉ được thu thập từ thông tin đại chúng.
Thất bại buổi đầu. Trong thời gian dài trên 5 năm, sau 1945, không có nước nào hưởng ứng lời kêu gọi trong Tuyên ngôn độc lập của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Chúng tôi tin rằng các nước Đồng minh đã công nhận những nguyên tắc dân tộc bình đẳng ở các Hội nghị Têhêrăng và Cựu Kim Sơn, quyết không thể không công nhận quyền độc lập của dân Việt Nam”. Tiếp theo là sự im lặng của Tổng thống Mỹ khi nhận những bức thư cầu xin, mặc dầu Chủ tịch Hồ đã tìm mọi cách ca ngợi Mỹ, trông chờ vào Mỹ. Tại sao vậy ?. Chính nghĩa, thiện chí, thông minh của chúng ta để ở đâu mà bên ngoài nhìn vào người ta không thấy, không công nhận. Phải chăng là tại sự chống phá của các thế lực thù địch và phản động. Tôi nghĩ rằng sự chống phá cũng có nhưng cơ bản nhất là tại Đảng Cộng sản phạm sai lầm trong việc tuyên bố tự giải tán rồi rút vào hoạt động bí mật. Đó là một mưu đồ lừa dối thiên hạ. Đó là sản phẩm của những đầu óc kém trí tuệ, chỉ quen dùng mưu mẹo trong những việc như đánh du kích và cướp của, cướp quyền. Người ta thừa biết anh dối trá, lừa gạt thì làm sao người ta công nhận anh được, làm sao người ta giúp anh được.
Hiệp ước với Pháp. Sai lầm tiếp theo là không tạm nhường Nam Bộ cho Pháp vào năm 1946.Việc này được cho là ý chí kiên quyết bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ, được nhiều người ca ngợi. Theo Hiệp ước Nhà Nguyễn ký với Pháp thì Nam kỳ là nhượng địa chứ không phải thuộc địa hoặc bảo hộ. Tháng 7/ 1945 Chính phủ Trần Trọng Kim thu hồi, tháng 9/ 1945 Pháp đòi lại, ta không chịu trả mới xẩy ra Nam bộ kháng chiến. Nếu khôn ngoan ra, tạm nhường vài năm rồi cũng sẽ thu hồi được. Vụ cố giữ cho được đất Nam kỳ là thuộc loại “Tham bát bỏ mâm “vì phải kháng chiến 9 năm và mất 20 năm chia cắt với không biết bao nhiêu xương máu và thù hận để thống nhất. Cuối cùng thống nhất được lãnh thổ trong sự chia rẽ dân tộc, cái giá phải trả quá đắt.