Thứ Sáu, 11 tháng 9, 2015

Tích hợp các môn học: thêm một đòn giáng mạnh vào nền giáo dục



Nguyễn Trần Sâm

10-9-2015

Một trong những nội dung “cải cách giáo dục” mà bộ GD-ĐT đã bắt đầu thực hiện là “tích hợp” các môn học. Những môn gần nhau, ví dụ Lý, Hóa và Sinh, được dồn làm một và gọi là môn “khoa học”, và nếu như trước đây được 3 thầy/cô dạy thì sắp tới sẽ chỉ còn 1 người dạy (hoặc “định hướng” cho học trò “tự phát minh”, theo quan điểm “chỉ đạo” của bộ).

“Đề án” này thực sự gây kinh hoàng hay chí ít là gây ngao ngán và lo lắng cho những người quan tâm đến GD.

Vậy, phải chăng việc “tích hợp” như vậy là sai trái, là phản khoa học? Xin thưa, KHÔNG phải vậy. Tích hợp hay chia thành các môn như đang làm từ trước đến giờ, mỗi kiểu đều có những ưu và nhược điểm của nó. Và cũng CÓ THỂ về tổng thể thì kiểu “tích hợp” là tốt hơn kiểu chia nhỏ các môn học.

Vấn đề là: Ngay cả nếu kiểu “tích hợp” về cơ bản là tốt hơn ít nhiều so với kiểu “phân chia” thì cái lợi thu được cũng không thấm tháp gì so với tác động tàn phá của việc chuyển đổi từ “phân chia” sang “tích hợp”.

Thực ra thì chất lượng GD không phụ thuộc đáng kể vào việc “tích hợp” hay “phân chia”. Trong một nền GD, kể cả tất cả các giáo viên đều chỉ dạy được mỗi người một môn “phân chia”, hay mỗi giáo viên đều dạy được vài ba môn (hay một môn “tích hợp”), hoặc số này thì dạy được mỗi người một môn, số khác thì mỗi người lại dạy được vài ba môn, điều đó đều không gây ra khó khăn nào đáng kể cho việc phân công giảng dạy và cho việc giữ vững chất lượng GD. Việc GD hiện nay lâm vào tình trạng nát bét với chất lượng sa sút toàn diện không phải do không tích hợp các môn học, mà do những nguyên nhân hoàn toàn khác.

Trong bối cảnh hiện nay, khi hầu như toàn bộ đội ngũ giáo viên được đào tạo để phù hợp với kiểu “phân chia”, và toàn bộ sách giáo khoa được viết cho từng môn như đang có, tham vọng của lãnh đạo bộ GD-ĐT về việc “tích hợp” các môn học sẽ dẫn đến những tai họa sau đây:

Một là sẽ tốn một lượng tiền khổng lồ từ ngân sách nhà nước (mà với cách chi như hiện nay thì có thể lên tới hàng trăm ngàn tỉ) để biên soạn lại toàn bộ sách giáo khoa và các loại sách tham khảo, hỗ trợ dạy và học, đồng thời để đào tạo lại đội ngũ hàng trăm ngàn giáo viên.

Hai là sẽ làm giảm sút nghiêm trọng chất lượng giảng dạy, kéo theo giảm sút chất lượng học. Những giáo viên đã dạy một số năm, bây giờ lại phải đi học lại, sẽ gặp phải vô vàn khó khăn, và chất lượng của việc học lại sẽ không thể nào đáp ứng được yêu cầu cần thiết. Trong ngành GD, bất cứ ai cũng biết rõ rằng những hình thức đạo tạo như “chuyên tu”, “tại chức”, “liên thông”, “đào tạo lại”, “bồi dưỡng thường xuyên” không hề có tác dụng nâng cao trình độ thực sự.

Ba là, do sự thất bại của việc “đào tạo lại” nói trên, quá trình này sẽ gây ra thêm một làn sóng giả dối – một điều tối kỵ trong GD. Từ trước đến nay, GD đã bị bao trùm bởi một không khí giả dối, và đó chính là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến sự xuống cấp tệ hại của nó, bây giờ lại sẽ có thêm một đợt sóng mới của sự giả dối, nhấn chìm hoàn toàn nền GD. Do chất lượng “đào tạo lại” không bảo đảm, việc dạy và học sa sút nghiêm trọng, nhưng vì muốn chứng minh rằng đường lối “tích hợp” là đúng đắn, hệ thống quản lý GD từ trên xuống dưới sẽ tìm mọi cách để che giấu sự xuống cấp, bố trí và dàn dựng để mọi thầy cô đều tham gia vào việc tô vẽ cho bộ mặt của ngành GD, để chứng tỏ rằng chất lượng GD đang “đi lên”. Và một khi mọi thầy cô đều tham gia vào những trò giả dối thì đó sẽ là đòn đánh cuối cùng làm nền GD suy sụp hẳn. Hậu quả của việc đó là gì thì không ai có thể tiên lượng được, chỉ biết là sẽ vô cùng tệ hại.

Việc dạy và học theo kiểu “tích hợp” hay “phân chia” – đó đơn giản là việc lựa chọn. Lựa chọn cái nào – điều này không phải là yếu tố quan trọng đối với chất lượng GD. Nhưng một khi đã chọn hình thức này một cách đại trà thì việc cố tình dùng quyền hành và tài lực của nhà nước để chuyển đổi sang hình thức kia là một việc làm nguy hiểm, chắc chắn dẫn đến những kết quả tồi tệ.

Nếu các quan chức lãnh đạo GD thực sự muốn thấy một nền GD thông thoáng thì việc mà họ nên làm là cho phép và khuyến khích các trường tự chọn “tích hợp” hay “phân chia”. Việc biên soạn một bộ SGK “tích hợp” cũng nên thực hiện theo hình thức để cho các cá nhân hay nhóm người đủ tư cách về chuyên môn đứng ra đăng ký làm, sau đó đánh giá, nghiệm thu theo một hình thức nào đó (nhưng phải tiến hành bởi các hội đồng chuyên môn không bị chi phối bởi “cánh hẩu” của các quan chức bộ). Khi đó, từng trường sẽ tìm ra cách thích nghi với sự lựa chọn mà họ đã thực hiện.

Nhưng đừng hy vọng “bộ ta” sẽ làm như vậy!

                                                                            N .T.S

Đọc báo Đảng mỗi ngày thêm ... suy thoái !



Nhật ký mở lần thứ 149

Tô Hải

10-9-2015

Chẳng nói thì mọi người cũng đã biết: Mình là một thẳng đảng viên đảng Lao Động VN suy thoái rất sớm: Ngay từ những ngày cái đoàn cố vấn Tầu do tên cố vấn Trần Canh cầm đầu sang VN, dạy cho bọn tay sai cách “cướp” đủ thú, từ mạng sống đến của cải của con người bằng một cuộc “cách mạng long trời lở đất”, mang cái tên “Cải cách ruộng đất – Chấn chỉnh tổ chức” mà mọi người thường bị cái vế trên nó xóa nhòa mất vế dưới. Còn mình thì sống trong khủng khiếp cả 2 vế: Đi thực tế cải cách ruộng đất và trực tiếp sinh hoạt chi bộ để đấu tố “đồng chí” mình, để cuối cùng, không ít “đồng chí” bị khai trừ ra khỏi đảng hoặc khỏi… mặt đất!

Trước mắt mình có biết bao “đồng chí” bị gán cho cái tội “tư tưởng phản động”, mất lập trường”, thậm chí “Quốc Dân đảng chui vào nội bộ đảng để phá hoại”. Biết bao đồng môn, đồng khóa, đồng hương lạc đường như mình đã là nạn nhân của cái cuộc chấn chỉnh chết người này. Riêng mình thì vẫn… thoát nhờ cái sự HÈN NHÁT ra sao, mình đã thú tội trước nhân dân trong cuốn “Hồi ký của một Thằng Hèn”. Và cái sự không còn sợ tù tội, giết chóc nữa đã giúp mình ngày càng… thoái hóa, tự diễn biến hơn suốt  20 năm qua, nhất là từ khi mày mò sử dụng được Internet, để trở thành blogger, facebooker…

Nhân vụ thoát khỏi lưỡi hái của Tử Thần lần thứ 3, tỉnh lại mình tự kiểm điểm xem suốt thời gian qua mình đã “tiến bộ trong sự thoái hóa” đến mức nào? Và tại sao? Có nên tiếp tục cái công việc bê-nê-vôn (không nhận lương) này nữa chăng?

Và mình đã nhận ra:

– Dù chẳng có lãnh tụ nào, đảng trưởng của bất cứ cái đảng nào giáo dục, chỉ đạo, mình đã… “thoái hóa, tự diễn biến” ngày một “tiến bộ” hơn khối “nhà” này, “nhà” nọ! Thậm  chí có người còn “thăng cấp” cho mình là “đồng chí phản động”, “ông già lực lượng thù địch đáng kính nể” nữa là đằng khác!

Vậy thì cái gì làm mình… “tiến bộ” trong hoàn cảnh nằm hoặc ngồi tại chỗ 5-6 năm trời nay?

Thứ Tư, 9 tháng 9, 2015

70 năm nhìn lại:Từ Bảo Đại đến Hồ Chí Minh: Hai bản Tuyên ngôn Độc Lập



Phạm Cao Dương

8-9-2015

Trong lịch sử tranh đấu giành độc lập của dân tộc Việt Nam trong thế kỷ hai mươi, hai lần nước ta đã được các nhà cầm quyền đương thời chính thức tuyên bố độc lập. Lần thứ nhất vào ngày 11 tháng 3 năm 1945 bởi Hoàng Đế Bảo Đại và lần thứ hai vào ngày 2 tháng 9 năm 1945 bởi Chủ tịch Chính Phủ Lâm Thời Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa Hồ Chí Minh. Hai lần cả thảy, nhưng đa số người Việt chỉ biết hay chỉ được học có một lần. Họ chỉ biết hay chỉ được học bản tuyên ngôn của Hồ Chí Minh ngày 2 tháng 9 mà không biết hay không được học bản tuyên ngôn của Bảo Đại ngày 11 tháng 3. Lịch sử do đó chỉ được biết có một nửa thay vì toàn vẹn. Bài này nhằm bổ khuyết cho tình trạng thiếu sót đó, đồng thời phân tích nội dung và ý nghĩa của từng bản.


(A) TUYÊN NGÔN CỦA HOÀNG ĐẾ BẢO ĐẠI

Hoàn cảnh được công bố

 Bản tuyên ngôn độc Lập của Hoàng Đế Bảo Đại được công bố ngày 11 tháng 3 năm 1945, hai ngày sau khi Nhật đảo chính Pháp ở Đông Dương và sau một thời gian dài hơn bốn năm, từ tháng 9 năm 1940, sau khi quân Nhật vào phần đất này của Đông Nam Á, gần năm tháng trước khi Nhật Bản đầu hàng và Thế Chiến Thứ Hai kết thúc. Trong thời gian này Việt Nam bị sống dưới sự cai trị của cả người Pháp, từ sau khi Hòa Ước 1884 được ký kết, lẫn người Nhật, từ ngày 22 tháng 9 năm 1940, với một hậu quả khủng khiếp là Trận Đói Tháng Ba Năm Ất Dậu. Hoàn cảnh này đã làm cho không chỉ riêng những người Cộng Sản, vốn chủ trương đánh đổ chế độ quân chủ để cướp chính quyền (chữ của chính người Cộng Sản) để từ đó thực thi cách mạng xã hội chủa nghĩa vô sản mà luôn cả những người không những không có cảm tình với chế độ quân chủ đương thời mà còn chủ trương lật đổ chế độ này để thay thế bằng một chế độ dân chủ, không nhìn nhận giá trị đích thực của của bản tuyên ngôn này. Lý do là vì Bảo Đại luôn luôn bị coi như một ông vua bù nhìn, trước kia trong tay người Pháp và lúc đó trong tay người Nhật. Theo họ trước kia người Pháp bảo sao, ông làm vậy và sau đảo chính 9 tháng 3 năm 1945, người Nhật bảo ông tuyên bố độc lập thì ông tuyên bố độc lập, thế thôi. Người ta hiểu hay được học đơn giản như vậy. Nền độc lập mà Bảo Đại tuyên bố theo họ chỉ là do người Nhật ban cho và bản tuyên ngôn của ông chẳng có một giá trị gì trong lịch sử đấu tranh giành độc lập của người Việt. Thực chất của nó chỉ là “sự tuyên bố công khai việc thay thầy đổi chủ của triều đình Bảo Đại”[1] không hơn không kém.

 Sự thực không đơn giản như vậy. Người Nhật có lý do làm đảo chính lật đổ người Pháp và Bảo Đại có lý do phải chấp nhận yêu cầu của người Nhật tuyên bố Việt Nam độc lập. Lý do của Bảo Đại đã được ông giải thích khi tiếp kiến Trần Trọng Kim và cố gắng thuyết phục ông này chấp nhận làm Thủ tướng đầu tiên của chính phủ Nam Triều độc lập. Nguyên văn câu nói được Trần Trọng Kim kể lại như sau:

 “-”Trước kia nước Pháp giữ quyền bảo hộ nước ta, nay đã không giữ được nước cho ta, để quân Nhật đánh đổ, vậy những điều trong hiệp ước năm 1884 không có hiệu quả nữa, nên Bộ thượng thư đã tuyên hủy hiệp ước ấy. Trẫm phải dứng vai chủ trương việc nước và lập chính phủ để đối phó mọi việc.”[2]

 Người ta cần phải nhớ là hơn mươi năm trước đó, sau khi du học từ Pháp về tới Huế được hai ngày, ngày tháng 10 tháng 9 năm 1932, Bảo Đại đã ra Dụ số 1 tuyên bố chấp chính và khẳng định chế độ quân chủ của Nam Triều hủy bỏ Quy Ước 6 tháng 11 năm 1925 do Hội Đồng Phụ Chính, đứng đầu là Tôn Thất Hân, ký với Toàn Quyền Đông Dương thời nhà vua còn nhỏ tuổi và đang du học bên Pháp, tước bỏ hầu hết các quyền hành còn lại của ông trừ các quyền có tính cách nghi lễ, ân xá, sắc phong, tế lễ…kèm theo nhiều dụ khác nhằm thực hiện những cải cách qui mô trong nền hành chánh của chính phủ Nam Triều, nhưng đã bị người Pháp ngăn cản và bị thất bại. Đảo chính 9 tháng 3 năm 1945 và lời yêu cầu tuyên bố độc lập của người Nhật dù gì đi chăng nữa cũng là điều vị hoàng đế còn trẻ tuổi từ lâu mong đợi. Ngoài ra theo nhận định và giải thích nhằm thúc đẩy Trần Trọng Kim “chịu khó” lập chính phủ mới. Ông Bảo Đại nói :

 -“Trước kia người mình chưa độc lập. Nay có cơ hội, tuy chưa phải độc lập hẳn, nhưng mình cũng phải tỏ ra có đủ tư cách để độc lập. Nếu không có chính phủ thì người Nhật bảo mình bất lực, tất họ lập cách cai trị theo thể lệ nhà binh rất hại cho nước ta. Vậy ông nên vì nghĩa vụ cố lập thành một chính phủ để lo việc nước.”[3]

Hai tiếng “cơ hội” Bảo Đại dùng ở đây cho ta thấy ông từ lâu mong có dịp này. Đồng thời ông cũng hiểu rằng nền độc lập mà ông tuyên cáo chưa phải độc lập hẳn.” Chưa hết, tuyên bố rồi ông còn có nhu cầu phải tỏ ra có đủ tư cách để độc lập và nhất là để tránh không cho người Nhật “lập cách cai trị theo thể lệ nhà binh rất hại cho nước ta.” Một sự e ngại chỉ có những người có kiến thức về lịch sử và chính trị học mói biết được. Ngoài ra những tiếng “rất có hại cho nước ta” cũng cho người ta thấy đối tương của hành động tuyên cáo độc lập của ông không phải là ngôi vua mà là đất nước Việt Nam và dân tộc Việt Nam, đất nước của ông và thần dân của ông. Cái nhìn và quan điểm này cũng như sự hiểu biết của ông về tình hình thế giới và thế tất bại của người Nhật về sau đã được ông nói rõ trong hồi ký của ông. Riêng đối với người Nhật, ông đã không tin tưởng ở họ cũng như chiêu bài Đại Đông Á của họ. Nói cách khác Bảo Đại ở vị thế phải chấp nhận nhập cuộc dù ông hiểu rõ sự phức tạp của vấn đề. Phần khác, như ông cũng nói tới trong hồi ký của ông: Độc lập là ước mơ của tất cả mọi người Việt Nam thời đó.

Nội dung bản Tuyên ngôn

 Đây là một bản văn tương đối ngắn so với những bản văn cùng loại, nhằm ba mục tiêu chính yếu là hủy bỏ hòa ước Triều Đình Huế đã ký với nước Pháp, tuyên bố Việt Nam độc lập, đứng vào khối Đại Đông Á trong chương trình phát triển chung, đồng thời bày tỏ sự tin tưởng vào lòng thành của nước Nhật với nguyên văn như sau: