Chủ Nhật, 30 tháng 8, 2015

Phỏng vấn Người Buôn Gió nhân ngày 2/9



Người Buôn Gió

29-08-2015

Bùi Thanh Hiếu: Xin chào anh Người Buôn Gió, nhân dịp ngày 2/9 anh cho biết cảm nghĩ của mình.

Người Buôn Gió: Thưa với anh, tôi cũng như bao người dân khác, háo hức chờ đón ngày lễ trọng thể như này.

Bùi Thanh Hiếu: Tại sao là một thằng phản động, anh lại ” háo hức chờ đón ” ngày lễ tôn vinh đảng cộng sản Việt Nam?

NBG: À vì tôi thấy sự thật ngày càng rõ ràng, cái háo hức của tôi là háo hức nhận ra sự thật. Tôi ngày càng nhận ra sai lầm của mình bấy lâu, khi chống phá, xuyên tạc uy tín của ĐCSVN.

BTH: Anh cho biết ví dụ thế nào mà anh nhận ra sai trái của mình?

NBG: Ví dụ này nhé, chúng tôi là kẻ vô ơn, đúng như Tuyên giáo của Đảng CSVN nói. Chúng tôi vô ơn bởi đảng CSVN đã mang lại cuộc sống cho chúng tôi,  Tôi là thợ xây, tôi đi xây cái biệt thự cho ông quan chức đảng viên, tiền làm biệt thự ông ấy lấy từ công quỹ ra, chứ ông ấy đâu làm gì mà ra tiền. Nhờ có việc xây biệt thự cho ông ấy mà tôi có tiền công, tiền công này tôi nuôi con tôi ăn học, trang trải việc nhà. Vậy mà tôi chửi ông ấy, chửi nhà nước của ông ấy. Rõ là tôi vô ơn còn gì. Giờ thử hỏi ông quan chức kia không xây biệt thự, tôi lấy đâu ra việc để làm. Cuộc sống gia đình tôi là nhờ ông ấy, nhờ đảng. Không có đảng thì không có ông ấy, không có ông ấy thì không ai xây biệt thự, không ai xây biệt thự thì tôi thất nghiệp. Lẽ ra tôi phải mang ơn họ từ lâu rồi.

BTH: Anh cho biết, ĐCSVN thường nói rằng các lực lượng chống phá ĐCSVN nhằm thay đổi thế chế, đầy đất nước ta vào chiến tranh, loạn lạc, đói nghèo. Anh nghĩ cái này đúng hay không?

Thứ Sáu, 21 tháng 8, 2015

Tại sao chúng ta nghèo ?



Nguyễn Hưng Quốc

21-08-2015

Trong cuộc gặp gỡ với 40 doanh nhân trẻ vào chiều 12 tháng 8 vừa qua, sau khi nghe những lời than thở về những bất cập trong các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp tại Việt Nam của họ, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đặt câu hỏi: “Tại sao chúng ta tốt mà vẫn cứ nghèo?” Rồi ông nhấn mạnh: “Nhất định phải đổi mới mạnh mẽ hơn.”

Trong câu hỏi của Vũ Đức Đam có một nhận định chính xác: Việt Nam nghèo. Chúng ta không những nghèo hơn các nước phát triển trên thế giới mà còn nghèo hơn hầu hết các quốc gia trong khu vực. Trong khu vực, chỉ giới hạn trong khối ASEAN, chúng ta nghèo hơn Singapore, Brunei, Malaysia, Indonesia, Philippines, Miến Điện và Thái Lan, đã đành. Chúng ta còn có nguy cơ bị hai nước láng giềng vốn thường bị xem là nghèo hơn và yếu hơn, Campuchia và Lào, qua mặt.

Nhưng toàn bộ câu hỏi của Vũ Đức Đam, “Tại sao chúng ta tốt mà vẫn cứ nghèo?” lại sai.

Sai ở nhiều điểm.

Thứ nhất, cách đặt vấn đề sai. Chuyện tốt hay xấu không có quan hệ gì đến chuyện giàu nghèo. Để giàu, người ta cần óc sáng kiến, năng lực lao động, sự cần cù cùng với một số điều kiện thuận lợi và may mắn nữa chứ không dính líu gì đến tính cách hay đạo đức. Trên thế giới, không ai đặt vấn đề như vậy với các tỉ phú hay với các cường quốc kinh tế.

Thứ hai, sai ở mệnh đề “chúng ta tốt”. Cái gọi “chúng ta” ở đây là ai? Là những người tham dự cuộc hội thảo ư? Căn cứ vào đâu để khẳng định họ tốt? Rộng hơn, “chúng ta” đây là người Việt Nam nói chung chăng? Lại càng mơ hồ. Không có dân tộc nào là tốt cũng như không có dân tộc nào là xấu. Dân tộc nào cũng bao gồm những người tốt và những kẻ xấu. Một sự khái quát hoá, cho dân tộc này tốt hơn những dân tộc kia không những sai lầm về logic và thực tế mà còn dễ có nguy cơ dẫn đến những thái độ kỳ thị chủng tộc, điều mà giới học thuật Tây phương cho là cấm kỵ.

Chủ Nhật, 16 tháng 8, 2015

Hệ thần kinh khốn nạn là gì ?





Vuong Phamnhat

14/8/2015

 Vừa rồi, trên facebook của mình, Ngô Bảo Châu có nói về những kẻ "thần kinh khốn nạn", như là công bố một phát minh mới không thuộc lãnh vực toán học, giống như anh mới phát hiện ra một giống loài ở Việt Nam có hệ “thần kinh khốn nạn”. Đây là phát hiện mới, phải nói là rất mới.
 Chúng ta biết trong cơ thể con người bình thường chỉ có 02 hệ thần kinh là “hệ thần kinh trung ương” và “hệ thần kinh ngoại biên”. Hệ thần kinh trung ương phụ trách những suy nghĩ, tư tưởng. suy luận, phân tích..v.v.. và chủ yếu là bộ não với các neutron thần kinh; còn hệ thần kinh ngoại biên phụ trách các cảm giác đau đớn, nhịp tim, thăng bằng..v.v.. gồm tủy sống và các dây thần kinh trong cơ thể. Còn hệ ‘thần kinh khốn nạn” là phát hiện mới của Ngô Bảo Châu mới công bố trên fây búc của mình. Chúng ta cùng khảo sát phát kiến mới của anh.
 Ngô Bảo Châu là nhà toán học nổi tiếng thế giới với công trình chứng minh Bổ Đề Cơ Bản và giành được Huy chương Fields. Anh là người Việt Nam mang quốc tịch Pháp và vẫn giữ quốc tịch Việt Nam. Năm 2011, tổng thống Pháp Sarkozy trao tặng anh Huân chương Bắc đẩu Bội tinh của nhà nước Pháp. Ngô Bảo Châu làm việc bên Mỹ và Viện Đại học Chicago trao tặng danh hiệu giáo sư đã có những thành tựu xuất sắc (distinguished service professorships). Năm 2012, anh là hội viên danh dự của Hội Toán học Hoa Kỳ. Sau khi nhận giải Fields, anh được Mỹ, Pháp và nhiều nước mời về làm việc nghiên cứu toán học và cả Việt Nam cũng mời về. Cuối cùng, Ngô Bảo Châu đã nhận lời làm việc ở Viện chuyên về toán ở cả ba quốc gia là Pháp, Mỹ và Việt Nam. Giải Fields là một giải thưởng quốc tế rất danh giá về toán học. Do ông Nobel ngày xưa, khi chết có để di chúc dùng lợi nhuận từ tài sản của mình làm giải thưởng cho các nhà khoa học về các lãnh vực vật lý, hóa học, sinh học..v.v.. nhưng không có toán học. Bởi vì Nobel có cô vợ trẻ phụ rẫy bỏ theo nhân tình, mà gã nhân tình là giáo viên dạy toán; cho nên Nobel ghét. Có đôi khi, những quyết định của bậc vĩ nhân bị chi phối bởi lý do rất đời thường, không có gì lạ cả. Do vậy, để bổ sung cho sai lầm của Nobel, các nhà khoa học trên hành tinh này lập ra giải Fields về toán học. Nói điều này cho thấy, Ngô Bảo Châu đoạt giải Fields cũng như giải Nobel về toán học vậy. Và qua đó cũng cho thấy anh là người có tư duy toán học siêu việt xứng đáng được vinh danh. Thậm chí, có nhiều người mến mộ dựng tượng để khuyến khích tinh thần học tập cho học sinh; nhiều quốc gia như Mỹ, Pháp và cả Việt Nam mời anh về cộng tác để phát triển ngành toán học.
 Về cá nhân, Ngô Bảo Châu sống khá bình dị so với danh tiếng toàn cầu của mình. Anh vẫn đi dạy toán miễn phí cho trẻ em nghèo. Ít quan tâm đến đấu đá chính trường dù với danh vọng của mình, anh hoàn toàn có thể bỏ quốc tịch Pháp để hoàn toàn sống ở Việt Nam làm quan chức. Nhưng với tinh thần của nhà khoa học, anh chỉ cộng tác với nhiều Viện nghiên cứu toán ở nhiều nước, trong đó, anh luôn cố gắng tìm cách phát triển ngành toán học Việt Nam với bằng chứng là anh nghe theo lời mời của Chính phủ về hỗ trợ cho Viện Toán ở quê hương.
 Việc phát hiện ra “hệ thần kinh khốn nạn” không liên quan đến toán học mà xuất phát bởi tấm lòng yêu thương đồng bào, yêu thương người nghèo khổ; đó chính là lòng nhân ái của nhà toán học nổi tiếng Ngô Bảo Châu. Số là sau khi biết thông tin về tỉnh Sơn La, là tỉnh nghèo nhất Việt nam chủ trương xây dựng quần thể tượng đài với chi phí lên đến 1.400 tỷ vnđ. Bao gồm việc xây dựng một loạt công trình với diện tích khoảng 20ha như quảng trường, tượng đài Bác Hồ, xây mới Trung tâm hành chính của tỉnh, khu tái định cư và giải phóng mặt bằng, đền thờ Bác Hồ và khu bảo tàng... trong khi trẻ em nghèo thất học lang thang, trường học như chuồng heo chuồng chó, bệnh viện như bãi rác chiến trường, người dân không có cơm ăn áo mặc, nữ thì đi sang Trung Quốc làm đĩ, trai tráng đi làm thuê phụ hồ, bán vé số hoặc trộm cắp. Số tiền 1.400 tỷ hoàn toàn có thể dùng để phát triển kinh tế cho tỉnh, phục vụ người dân thoát nghèo như làm đường xá cầu cống để thu hút đầu tư; dùng hỗ trợ cho việc giảm biên chế tinh gọn bộ máy giảm thủ tục phiền hà cho dân; dùng để hỗ trợ thuế cho các nhà đầu tư mở khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh tạo việc làm cho dân, dùng để xây trường học và trả lương, cấp nhà cho các giáo viên tạo điều kiện cho trẻ em được đến trường; dùng để xây bệnh viện vừa tạo công ăn việc làm vừa phục vụ cho đồng bào dân tộc. Còn xây quần thể tượng đài và trung tâm hành chính chỉ để phục vụ cho quan chức ăn no mập béo xà xẻo công quỹ và đè nén ức hiếp dân lành mà thôi.
 Ai cũng thấy đó là sự bất công, là sự bóc lột dã man tàn khốc vì cùng là người trong một quốc gia mà bóc lột với nhau như thế là phi logic theo toán học; Thậm chí, ca dao có câu “Nhiễu điều phủ lấy giá gương-Người trong một nước phải thương nhau cùng”. Các quan chức và người dân cũng là người trong một nước nhưng tại sao lại tham nhũng khủng khiếp và bóc lột tàn ác và dã man chính đồng bào mình như thế? Ngô Bảo Châu đã phát hiện rằng những quan chức này khác đồng bào chúng ta vì họ có một “hệ thần kinh khốn nạn”.

Thứ Tư, 5 tháng 8, 2015

Thần kinh khốn nạn






CanhCo

04-08-2015

Đó là hệ thống thần kinh mới, vừa được Giáo sư Ngô Bảo Châu, một nhà khoa học của Việt Nam tìm ra sau khi ông Vũ Đức Đam, trên cương vị Phó thủ tướng ký thế cho Thủ tướng chính phủ quyết định chấp thuận cho UBND thành phố Sơn La kinh phí 1.400 tỷ để xây dựng tượng đài Hồ Chí Minh trong thành phố.

GS Ngô Bảo Châu viết trên Facebook của ông: “Trẻ con ăn không đủ no, áo không đủ ấm, sinh hoạt như lũ thú hoang, mà bỏ ra 1400 tỷ để xây tượng đài thì hoặc là khốn nạn, hoặc là thần kinh”.

Rõ ràng là GS Châu chơi chữ. Không thể nào một ông Phó Thủ tướng lại mắc bệnh thần kinh, có nghĩa là tâm thần không bình thường, ký những quyết định đi ngược lại với nhân văn, với đạo lý dân tộc. Ông chỉ có thể “khốn nạn” trong ý thức. Ông không xem trẻ em lê lết trong các mái trường không thua chuồng trại súc vật đầy dẫy tại các tỉnh biên giới mà Sơn La là một điển hình của sự nghèo túng cùng cực. Ông không hề nghĩ tới hàng chục ngàn hộ thiếu ăn quanh năm và đối với họ chỉ cần đủ ăn đã là hạnh phúc. Đối với họ Hồ Chí Minh chỉ là một cục đá được dẽo gọt chỉ để đứng nhìn sự thống khổ, kiệt quệ của họ, những người quanh năm không biết tới một mẩu thịt là gì.

Họ túng đói và lê lết như những con thú hoang trong khi chính phủ của ông Vũ Đức Đam đang phải đối phó với nợ công, phải ăn xin tứ phương từ Mỹ với miếng bánh TPP, từ Trung Quốc với những khoản vay thắt cổ, từ Nhật với ODA dễ nuốt và ngay cả từ Việt kiều hải ngoại với câu chữ không biết hổ thẹn là gì, lại bỏ ra 1.400 tỷ xây một hình tượng đang mục nát trong trái tim quần chúng.

Với những sự thật không thể chối cãi ấy câu hỏi đặt ra tại sao chính phủ lại tiếp tục ký những quyết định trái với lòng dân, trái với lương tri của con người mà bất cứ một chính phủ, một nhà độc tài nào cũng đều tránh né?

Chỉ có thể xem đó là những thái độ khốn nạn. Sự khốn nạn lâu ngày thành nếp nghĩ, thành cách hành xử quen thuộc. Việc coi thường luân thường đạo lý trong huyết quản đã tạo nên một loại gene mới trong cơ chế cộng sản. Loại gene ấy biến thành hệ thần kinh chủ đạo, từ tư duy cho tới phản ứng, nó nằm song song với các hệ thần kinh khác như buồn, vui, giận, ghét. . . hệ thần kinh khốn nạn chỉ khác ở chỗ, nó tự đứng riêng và tự đánh bóng hay tôn tạo chính mình. Nó phản ứng với hệ thần kinh bình thường một cách bất bình thường. Khi nhân dân đói nó cho là nhân dân đủ ăn và GDP của họ ngày một cao hơn. Khi trẻ em thiếu trường, thiếu lớp nó cho đấy chỉ là một bộ phận rất nhỏ trong tổng thể phát triển của đất nước. Khi người dân phản ứng vì bị đẩy vào đường cùng nó cho là sự xúi giục của bọn phản động và phản ứng của nó không kém bất cứ cách hành xử côn đồ nào.

Thần kinh khốn nạn tự nghĩ ra những kịch bản chỉ có trong giấc mơ của những kẻ sở hữu nó. Nhân dân vẫn yêu thương Hồ chủ tịch và họ có nhu cầu nhìn tượng của ông thay cơm. Nhân dân hãnh diện khẳng định ông là ánh sáng dẫn họ trên con đường….vạn dặm! Nhân dân sáng suốt tin rằng ông là ngôi sao không hể tắt và có ông thì người dân sẽ thấy đời đáng sống biết dường nào.

Một trong những người sở hữu thần kinh khốn nạn, Trần Bảo Quyến, Phó Giám đốc Sở VH-TT-DL tỉnh Sơn La cả quyết rằng: “sau khi xây dựng tượng đài, Sơn La sẽ có cơ hội quảng bá về du lịch. Đây sẽ là điểm đến thú vị cho người dân đến tham quan và tìm hiểu về lịch sử Tây Bắc nói chung và Sơn La nói riêng. Hiện, Sở cũng đang nâng cấp nhà tù Sơn La và một số địa danh văn hóa khác”.

Nếu chú ý người dân sẽ lo sợ vô cùng khi tượng đài được xây dựng song song với việc nâng cấp nhà tù. Tham quan hay vào đó nằm nếu chống đối đề án thì có gì khác nhau?

Trần Bảo Quyến cho rằng: “Đã là tình cảm của nhân dân Tây Bắc không thể cân đong đo đếm được. Do đó, cá nhân nào nói lãng phí là chưa đúng”.

Đúng, nó không hề là một đề án lãng phí. Nó không lãng phí mà là phá hoại. Phá hoại tới tận đáy cái nền của nhân bản. Tiêu diệt những gì ít ỏi còn lại trong lòng người dân đối với hình ảnh Hồ Chí Minh. Người miền núi vốn không được học hành tử tế họ chỉ biết ông Hồ là người cha già dân tộc theo tuyên truyền của bộ máy Đảng. Sau gần một thế kỷ người cha ấy chia cho đám con ruột là quan lại triều đình xây dựng những công trình để tư túi trên các đề án khốn nạn. Chỉ cần thông minh một chút là họ biết mình bị bóc lột, bị chà đạp tới xương khi con cái họ quần không có mà mặc, gia đình họ không có gạo đủ ăn phải lê lết trên những con ruộng bậc thang, đẹp thì có đẹp nhưng leo trèo trên ấy để kiếm từng hạt lúa thì người Kinh đã bỏ chạy từ xưa.

Chỉ tiếc một điều đồng bào miền Tây Bắc không mấy người có hệ thần kinh khốn nạn như quan đầu tỉnh Trần Bảo Quyến và do đó họ không thể tự bào chữa cho mình lý do họ quá yêu bác Hồ nên nhà nước cần phải dựng tượng của ông cho họ ngắm thay cơm.

Con cá gỗ còn tạm dùng để đánh lừa mình chứ tượng ông Hồ to quá mà lại làm bằng đá thì làm sao đem vào mâm cơm của họ để mà chấm, mà mút cho chén bắp trong bữa ăn thường nhật đậm đà hơn một chút?


Đất nước của những tượng đài vô cảm





GS Nguyễn Văn Tuấn

05-08-2015

Hàng loạt địa phương có dự án xây dựng tượng Hồ Chí Minh (1). Có thể xem đây là một phong trào. Phong trào xây thêm tượng vốn đã quá nhiều ở đất nước này. Nhưng ý nghĩa của phong trào này là gì thì không ai rõ. Chỉ có thể giải thích rằng phong trào này xuất phát từ ý tưởng kinh doanh hình tượng lãnh tụ, và như thế là một sự khinh thường người dân đóng thuế.

Tôi có cảm tưởng rằng VN là một nước có nhiều tượng đài nhất nhì thế giới. Đi từ thành phố đến tỉnh lẻ và làng xã, hầu như chỗ nào cũng có một vài tượng đài. Có nơi có hàng chục tượng lớn nhỏ đủ kiểu. Ví dụ như Hà Nội đã có hơn 30 tượng đài, và người ta đang lên kế hoạch xây thêm hơn 30 tượng khác từ nay đến 2020. Sẽ rất thú vị nếu biết con số thống kê về tượng đài trên cả nước, nhưng với con số trung bình 20 tượng đài/tỉnh, tổng số tượng đài rất có thể lên đến con số hàng ngàn.

Tôi nghĩ người Việt Nam chúng ta từ xưa đã rất quan tâm đến tượng, nhưng ý nghĩa thì không giống như kiểu xây tượng đài ngày nay. Ngày xưa (trước 1975) ở miền Nam cũng có (tuy không nhiều) tượng đài, nhưng đa số là tượng của các anh hùng dân tộc. Chúng ta đã biết ở Sài Gòn có những bức tượng nổi tiếng như Trần Hưng Đạo, Trần Nguyên Hãn, Thánh Giống, bên cạnh những tượng Phật Thích Ca và Chúa Jesus. Còn ở Rạch Giá có tượng Nguyễn Trung Trực rất nổi tiếng, nghe nói sau 1975 bị “cách mạng” cho xe tải đến kéo sập, nhưng không sập và thế là còn tồn tại đến ngày nay. Người dân xem tượng là cái gì linh thiêng, để tôn thờ; nếu không tôn thờ thì cũng là nơi để tỏ lòng kính trọng. Do đó, dù là đơn giản được cấu trúc bằng đất sét, nhưng không ai dám phá các tượng.

Ở miền Nam sau 1975 thì các tượng đài theo kiểu XHCN mới bắt đầu xâm nhập các miền quê và tỉnh lẻ. Sau 1975, các tượng đài trở thành đối tượng để ngắm nhìn là chủ yếu, chứ không phải để thờ phượng. Hồi còn nhỏ, tôi chưa biết cảm nhận được cái đẹp của những bức tượng đó; phải đến sau 1975 có dịp so sánh với các bức tượng heo motif XHCN (sẽ nói sau) tôi mới thấy cái thẩm mĩ và dân tộc tính của những bức tượng trước 1975.

Cái đặc điểm chủ yếu của các tượng đài VN là liên quan đến các sự kiện và nhân vật “cách mạng.” Phổ biến nhất có lẽ là tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tính đến nay đã có 31 tỉnh thành xây dựng tượng đài Hồ Chí Minh, và sẽ có 58 tượng HCM sẽ được xây dựng từ nay đến 2030. Đi đâu cũng thấy ông, lúc thì giơ tay chào ai đó, lúc thì mặc cái áo khoác hờ hững, lúc thì nhìn ra sông (như tượng ở Cần Thơ)m lúc thì nhìm chằm chằm vào người đối diện, lúc thì ôm trẻ em, v.v. Nói chung là ông xuất hiện khắp nơi và dưới vài kiểu cách. Kế đến là những nhân vật từng là đồng chí hay đàn em của ông. Một số khác là các tượng đài ghi lại một sự kiện xảy ra trong thời chiến tranh, và những tượng này không phải ai cũng biết và hiểu. Nhưng nhìn chung, các tượng đài sau này được dựng lên chủ yếu là để ngắm nhìn, thỉnh thoảng làm nơi chụp hình, chứ không phải là các tượg đài cho sự tôn kính và thờ phượng.

Một đặc điểm nổi bậc sau này là rất ít những tượng đài liên quan đến các nhân vật trong lịch sử trước “cách mạng”. Tượng Lê Lợi ở bùng binh Cây Gõ đã bị cho “ra đi” không trở lại. Ngoài một số ít tượng đài mà VNCH để lại (như tượng Trần Hưng Đạo, Trần Nguyên Hãn (cũng sắp ra đi), Thánh Gióng, v.v.) tượng của các anh hùng thời xưa đều bị thay thế bằng các đồng chí của cụ Hồ hay các sự kiện liên quan đến “cách mạng”. Có thể xem sự phân bố tượng đài vừa là một cách tuyên truyền, mà cũng là một cách xem thường và ngạo mạn với lịch sử.

Có thể nói rằng hầu hết các tượng đài “cách mạng” khá thô kệch và thiếu tính dân tộc. Tôi không phải là nhà điêu khắc, nên không biết phân tích sao cho có hệ thống; tôi chỉ biết nói lên cảm nhận cá nhân mà thôi. Cảm nhận của tôi là các bức tượng do các nhà điêu khắc VN thiết kế mang tính xã hội chủ nghĩa (XHCN). Nói trắng ra là bắt chước. Bắt chước Tàu, bắt chước Nga. Chẳng hạn như hình dưới đây cho thấy cách thiết kế tượng chủ tịch HCM theo kiểu giơ tay là bắt chước theo tượng của Mao Trạch Đông và Kim Nhật Thành. Các loại tượng khác cũng thế. Vì bắt chước các nước vốn là thủ đô của tuyên truyền, nên các tác phẩm tượng đài của VN không có tính nghệ thuật cao, nếu không muốn nói là lai căng.