Thứ Tư, 31 tháng 8, 2016

Độc lập là độc lập nào?

LS Đặng Đình Mạnh
31-8-2016
Hồ Chí Minh và Marius Moutet ký tạm ước Việt - Pháp ngày 14/9/1946, sau Hội nghị Fontainebleau
Hồ Chí Minh bắt tay Marius Moutet sau khi ký tạm ước Việt – Pháp ngày 14/9/1946 ở Hội nghị Fontainebleau
Việt Nam bước vào thế kỷ 20 với tư cách một xứ thuộc địa của nước Pháp.
Tư cách thuộc địa chấm dứt và Việt Nam trở thành một quốc gia độc lập vào ngày 11/03/1945 khi Cựu Hoàng Bảo Đại (khi ấy là Hoàng Đế) ban hành Đạo dụ “Tuyên cáo Việt Nam độc lập”, tuyên bố hủy bỏ Hòa ước Patenôtre ký với Pháp năm 1884, khôi phục chủ quyền Việt Nam, thống nhất đất nước. Trong tuyên cáo có đoạn viết : “chính phủ Việt Nam tuyên bố từ ngày này, Hòa ước Bảo hộ với nước Pháp bãi bỏ và nước Nam khôi phục quyền độc lập”.
Đến ngày 02/09/1945, một lần nữa sau chưa đầy sáu tháng, Ông Hồ Chí Minh lại công bố bản “Tuyên ngôn độc lập” tại Quảng trường Ba Đình.
Với Cựu hoàng Bảo Đại, Ông tuyên bố độc lập để khẳng định xứ sở đã thoát khỏi thân phận thuộc địa. Nhưng với Ông Hồ Chí Minh, Ông cũng tuyên bố độc lập để khẳng định đưa xứ sở thoát khỏi điều gì ?
Trở lại bối cảnh xứ sở khi ấy, “mẫu quốc” là nước Pháp thì đã không còn quyền lực hoặc vai trò ở Việt Nam sau khi bị Nhật Bản đảo chính ở từ đầu tháng 03/1945. Bản thân Nhật Bản thì tuyên bố đầu hàng đồng minh từ ngày 15/08/1945. Thời điểm ngày 02/09/1945, đất nước đang độc lập trong thực tế lẫn pháp lý, không nằm dưới sự thống trị của ngoại bang, thì chẳng lẽ, Ông Hồ Chí Minh tuyên bố độc lập để khẳng định đưa xứ sở thoát khỏi thoát khỏi nền độc lập mà cựu hoàng Bảo Đại đã tuyên bố trước đó sáu tháng ?
Chưa kể, về phương diện kế thừa nhà nước của công pháp quốc tế, thì chính quyền sau hoàn toàn thừa kế trọn vẹn những quyền và nghĩa vụ của chính quyền trước đó. Thế nên, nếu chính quyền của Cựu Hoàng Bảo Đại đã xác lập pháp lý về nền độc lập cho quốc gia, thì chính quyền của Ông Hồ Chí Minh sau đó mặc nhiên kế thừa tính pháp lý của nền độc lập đó, sự kế thừa không ít hơn và cũng không nhiều hơn.
Việc một quốc gia hai lần tuyên bố độc lập trong khoảng thời gian chưa đầy sáu tháng là tiền lệ chưa từng có trên thế giới, nhất là khi nền độc lập được tuyên bố lần đần đầu vẫn còn nguyên giá trị pháp lý và chưa từng bị xâm phạm hay được phục hồi sau khi bị xân phạm !
Nói khác, Ông Hồ Chí Minh đã tuyên bố độc lập trong hoàn cảnh thực tế của đất nước đang độc lập và đã từng được chính quyền tuyên bố khẳng định bằng một văn bản pháp lý trước đó chưa đầy sáu tháng.
Sau khi Cựu Hoàng Bảo Đại đọc chiếu thoái vị, chấm dứt chính thể quân chủ, thì ngày 02/09/1945, khi công bố bản Tuyên ngôn độc lập, thì bên cạnh việc tuyên bố độc lập vốn không cần thiết, thì mặt khác, Ông Hồ Chí Minh cũng tuyên bố thiết lập chính thể dân chủ cộng hòa. Và chính đây mới là nội dung quan trọng có giá trị lịch sử đặc biệt sau hàng nghìn năm xứ sở sống dưới chính thể quân chủ tập quyền. Theo đó, lần đầu tiên trong lịch sử lập quốc, người dân đã trở thành chủ nhân của đất nước thay vì là một ông vua cho rằng mình là thiên tử, tức con trời “thế thiên hành đạo”

Thứ Hai, 8 tháng 8, 2016

Chọn cá hay chọn thép



Nguyễn Duy Vinh
7-8-2016
A. Những nghi vấn quanh vụ phơi bày sự việc bởi Formosa Hà Tĩnh ngày 30 tháng 06:
Khi nói đến những lò đốt quặng mỏ khổng lồ, người ta có thể mường tượng đến những bất trắc rủi ro (tiếng Việt mới bây giờ người trong nước hay dùng hai chữ “sự cố”) rất lớn trong lúc chuyển vận các dung dịch sắt (chảy) nóng bỏng từ những lò đốt có nhiệt độ cao (1600 độ C) và các dung dịch xả thải. Ngoài ra còn phải kể đến những tấn quặng mỏ rắn được chuyên chở mỗi ngày bởi những xe vận tải lớn (loại xe 10 tấn hay xe ben) từ những bãi quặng sắt rắn đến thẳng lò nung hay đến những đoàn tàu xe lửa có bánh sắt (wagon) để được chở đến lò nung. Việc phòng ngừa tai nạn, việc bảo trì vật liệu và dụng cụ máy móc và việc cứu thương khẩn cấp là những nghiệp vụ rất quan trọng trong việc thiết bị một nhà máy công nghệ nặng như nhà máy luyện gang thép Formosa Hà Tĩnh.
Những hệ thống báo động khi rủi ro được phát hiện nằm trong chương trình thiết kế và hoàn bị của nhà máy là chuyện cần thiết không thể thiếu. Mỗi khi một bất trắc xảy ra (cả ngàn thứ có thể xảy ra như chất lỏng thép chảy ra ngoài tung tóe, nổ lớn khi dung dịch lỏng được đổ sang lò làm nguội, vật liệu hỏng, dụng cụ máy móc ngừng chạy, nhiệt độ lên cao hơn bình thường, có người bị thương cần cứu chữa khẩn cấp, điện tắt bất thình lình đưa đến những chuỗi rủi ro khác, nước hay ốc xi thất thoát hay vượt ngưỡng an ninh v.v…), hệ thống an ninh tự động lập tức báo động ầm ĩ (rung chuông hay còi hụ) và đồng thời tự động cho lệnh (qua những hệ thống tin học mà chữ nước ta gọi nôm na là phần mềm) đóng sầm những van (valves) ở những cửa tiếp liệu chiến lược để tránh cung cấp thêm những chất có thể làm trầm trọng thêm tình huống ở nhưng nơi đang có đổ vỡ xảy ra.
Thêm vào đó, những công nhân và những chuyên viên làm việc cho các nhà máy luyện thép, từ những phu khuân vác cho đến các bác tài lái những chiếc xe vận tải khổng lồ, từ những anh cán sự (technicians) đến những viên chức lo việc bảo trì và quan trắc (chữ mới trong nước, tiếng Anh là monitoring), từ những cai gác tuần hành đêm ngày đến những ông quản lý ngồi trong những văn phòng có máy lạnh, tất cả đều phải được thụ huấn và được dự thường xuyên những buổi học về vấn đề an ninh và an toàn nhà máy, về hệ thống bảo trì và về những điều phải làm khi có rủi ro quan trọng xảy ra. Một hệ thống bảo trì tốt và một hệ thống an ninh tự động có kỹ thuật cao và đã được thử nghiệm kỹ càng là hai yếu tố vô cùng quan trọng trong việc bảo đảm an toàn cho nhân viên cũng như cho việc giữ gìn công nghiệp tốt đẹp bền vững về lâu về dài của nhà máy [1].
Ngày 30 tháng 06, Formosa Hà Tĩnh thông báo lý do gây ra thảm họa môi trường trầm trọng ở Vũng Áng làm chết trên 250 cây số biển của 4 tỉnh miền Trung là do sự mất điện trong 5 ngày liên tiếp và việc các nhà thầu phụ làm việc có lỗi lầm ở nhà máy. Formosa Hà Tĩnh đã không cho biết một chi tiết khoa học nào về sự liên hệ giữa những lý do được công bố và sự tống phun chất độc qua ống ngầm. Vì muốn phun ra cả triệu lít dung lượng xả thải, chắc chắn phải nhờ vào các máy bơm chạy bằng điện bơm những dung dịch này sâu vào lòng biển Việt Nam qua một ống ngầm dài 1.7 km có đường kính rộng trên 1 mét. Những máy bơm khổng lồ này lấy điện từ đâu để chạy nếu có sự mất điện? Những lý do Formosa Hà Tĩnh đưa ra khiến tác giả bài viết này có những suy nghĩ và nghi vấn sau :
  1. Cho là Formosa Hà Tĩnh nói thật: “Sự thật” này, nếu được kiểm chứng, là một bằng chứng hùng hồn cho thấy hệ thống báo động an ninh và an toàn tự động của Formosa Hà Tĩnh có vấn đề. Hệ thống phát hiện rủi ro của nhà máy Formosa Hà Tĩnh không an toàn và thiếu tính chủ động (fail-safe) để ngăn chặn kịp thời những chuỗi bất trắc khác có thể xảy ra (và đã xảy ra) sau đó.
  2. Hoặc là Formosa Hà Tĩnh nói dối: Vụ thảm họa môi trường xảy ra là vì Formosa Hà Tĩnh đã cố tình xả thải bừa bãi vào biển vì họ biết nhà nước Việt Nam đang dễ dãi và dung túng họ và nhà nước này sẽ tìm mọi cách để bảo vệ họ. Tưởng tượng cả mấy triệu lít dung dịch xả thải cực độc mỗi ngày được phun ào ạt ra biển từ cái ống ngầm, trong 5 ngày liên tiếp, mà chẳng ai hay biết gì cả là một chuyện thật khó tin.

Thứ Hai, 1 tháng 8, 2016

Hám danh hiệu




Đoàn Khắc Xuyên
31-7-2016

Người dân Việt Nam đang đối mặt với nhiều yếu tố mất an toàn. Ảnh: MTG/ internet.
Người Việt có hám danh hiệu không? Chắc là có. Cứ xem cái cách người ta chạy và tự sướng với đủ thứ danh hiệu, kể cả danh hiệu hão, thì rõ. Và cái họa có khi đi liền ngay với danh hiệu hão.
“Việt Nam đứng thứ 5 trong danh sách 10 nước hạnh phúc nhất thế giới”. Đây là kết quả đánh giá về Chỉ số Hành tinh Hạnh phúc do Quỹ Tân Kinh tế học (NEF) – một quỹ không mấy ai biết ở Anh – bình chọn và đưa ra. Chỉ số này đo lường mức độ hạnh phúc của một nước dựa trên sự no đủ, tuổi thọ và bất bình đẳng xã hội rồi chia cho mức độ tác động đến sinh thái của đất nước. Báo Independent của Anh hôm 21.7 đưa tin và sau đó nhiều báo trong nước lập tức đưa lại. Cần nói thêm, năm 2012 cũng chính NEF đã xếp Việt Nam đứng hạng thứ 2 thế giới và tất nhiên cũng được nhiều báo trong nước hồ hởi đưa lại.
Tuy nhiên, Tiến sỹ Khuất Thu Hồng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Xã hội tại Hà Nội, trả lời phỏng vấn VOA, chỉ ra rằng phương pháp phỏng vấn, lấy mẫu ở Việt Nam của NEF có thể không đúng.
Tôi cho rằng tất cả các tiêu chí đó của Việt Nam đều có vấn đề. Tuổi thọ của Việt Nam cũng không phải là cao. Về môi trường thì rõ ràng là có quá nhiều vấn đề. Việc khai thác tài nguyên của Việt Nam từ trước đến nay rất là không bền vững. Việt Nam đang ở trong thời kỳ mà cái phân tầng xã hội nó càng ngày càng lớn. Ở Việt Nam có một số những người rất giàu, còn lại có những người rất nghèo. Cái bất bình đẳng tôi nghĩ nó khá là rõ. Nếu mà nói về bình đẳng thì cũng rất là khó để xếp Việt Nam ở một cái top cao của hạnh phúc. Tôi cảm thấy những cái đánh giá, nghiên cứu đấy có thể rất có vấn đề về phương pháp”, bà nói với đài VOA.
Theo Tiến sỹ Hồng, để biết người Việt có cảm nhận hạnh phúc hay không, cần tập trung vào các yếu tố sau: “Hiện nay có lẽ thiết thực nhất là chữ an toàn. An toàn đây là nói an toàn trong thực phẩm, an toàn giao thông, an toàn trong môi trường xã hội. Những cái mâu thuẫn xã hội hiện nay rất dễ dàng bùng nổ. An toàn nói chung ở Việt Nam bây giờ tôi nghĩ là rất là có vấn đề. Tôi nghĩ đối với người Việt Nam thì có lẽ đấy là một trong những vấn đề hết sức là ưu tiên. Thế rồi là vấn đề ô nhiễm môi trường. Cái môi trường sống hiện nay cũng không an toàn. Môi trường tự nhiên đang bị phá hủy”.
Cũng cần chú ý đến các dịch vụ xã hội cơ bản như dịch vụ giáo dục, y tế. Các khảo sát của chính một số cơ quan ở Việt Nam gần đây đã chỉ ra rằng người dân Việt Nam “hoàn toàn không hài lòng” về các dịch vụ này. Bà Hồng kết luận: “Nếu mà các vấn đề an toàn như tôi vừa nói đang có vấn đề, rồi những dịch vụ xã hội cơ bản cũng chưa đáp ứng thế thì khó có thể nói là người Việt Nam cảm thấy hạnh phúc được”.
Nói “sùng bái” có lẽ hơi quá, nhưng việc một số phương tiện truyền thông trong nước hào hứng với các xếp hạng kiểu như của NEF cho thấy không ít người Việt rất sính danh hiệu, hám danh hiệu, tìm mọi cách để có được danh hiệu này danh hiệu kia và dễ dàng tự sướng về một danh hiệu nào đó được trao. Thực chất ra sao không quan trọng, miễn có danh hiệu. 
Những danh hiệu như của NEF trao cho Việt Nam có vẻ “vô hại”, ngoài tác dụng ru ngủ. Nhưng có những thứ danh hiệu mà người muốn có phải bỏ tiền ra mới có được, như rất nhiều thứ danh hiệu thượng vàng hạ cám mà không ít doanh nhân Việt Nam đang bị cuốn vào, bỏ tiền mua lấy. Hoặc những danh hiệu “văn hóa” (như gia đình, khu phố, ấp, xã văn hóa) hay “nông thôn mới” đầy tính hình thức mà nhiều địa phương đeo đuổi và có khi không phải không tốn tiền, thậm chí mang nợ mới có được để rồi chẳng làm gì với những danh hiệu ấy.