Thứ Năm, 24 tháng 3, 2016

Khi Nhà nước bôi nhọ Nước nhà


CanhCo
24-3-2016
Báo chí chính thống nổi lên các bài viết theo đơn đặt hàng của Tuyên giáo vài ngày trước khi vụ án Ba sàm Nguyễn Hữu Vinh mở ra, trong đó dựa vào cáo buộc vi phạm điều 258 cho rằng anh Ba sàm đã bôi nhọ nhà nước bằng những bài viết nhận định bi quan làm nản lòng người dân gây hình ảnh xấu cho chế độ.
Và khi phiên tòa mở ra, trớ trêu thay chính nhà nước mới là người bôi nhọ nước nhà. Một câu trả lời đầy cảm hứng cho ai có ý định chuẩn bị hồ sơ vào con đường phản động.
Nhà nước, một tập thể được người dân tin tưởng bầu lên làm lãnh đạo cho họ, có nghĩa rằng thay họ giải quyết, điều hành công việc của quốc gia sao cho mọi người sống và làm việc trong tinh thần trật tự và tôn trọng luật pháp. Cái nhà nước ấy ngoài việc bảo vệ lãnh thổ và ngoại giao với nước ngoài để tăng cường khả năng hòa nhập với quốc tế còn mang trọng trách làm cho dân giàu nước mạnh, mà cụ thể là phác thảo kế hoạch kinh tế, giáo dục, an sinh và hàng trăm thứ khác để người dân yên tâm sống và làm việc. Nhưng có lẽ quan trọng nhất, nhà nước phải cùng với nhân dân thượng tôn luật pháp vì nếu không thì nhà nước ấy không đủ chính danh để giữ bất cứ vai trò gì trong công việc điều hành đất nước, ngay một nhà nước cấp nhỏ nhất là cấp xã.
Từng cá nhân trong bộ máy cầm quyền được trả lương đầy đủ cho mọi đóng góp của họ qua đồng tiền thu được từ thuế, từ nhân dân, từ những nhân tố nhỏ bé của xã hội để nuôi sống họ, những con người mà Việt Nam khiêm nhượng gọi là đầy tớ của nhân dân. Vì vậy kể cả một thẩm phán, một chủ tọa phiên tòa, hay một viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao cũng là người được dân trả lương để làm cái công việc bảo vệ pháp luật. Thẩm phán phải đủ năng lực và nhận thức để phân tích từng vụ án, con người, cũng như bằng chứng chống lại một bị cáo. Khi thẩm phán bị mua chuộc hay tệ hơn, bị ra lệnh mà không thể cưỡng lại thì cái nhà nước ấy thực sự có vấn đề. Vấn đề lớn, rất lớn, lớn hơn tham nhũng, hơn cửa quyền và hơn mọi thứ tiêu cực trong một nhà nước pháp trị.

Thứ Bảy, 19 tháng 3, 2016

Còn lại gì tư cách đại biểu Quốc hội của ông Đinh La Thăng?



Phạm Chí Dũng
17-3-2016

Bí thư Thành ủy TP.Hồ Chí Minh Đinh La Thăng. Screen shot.
Chiến dịch tái ngăn chặn và chà đạp pháp luật về quyền tự do đi lại của nhiều trí thức và người dân Sài Gòn yêu nước tại sự kiện tưởng niệm Gạc Ma 14/3/2016 đang dẫn đến một hệ lụy nước tràn ly: bắt đầu dấy lên một luồng dư luận về việc yêu cầu Quốc hội bãi miễn tư cách đại biểu của hai ông Đinh La Thăng, Bí thư thành ủy TP HCM, và Lê Đông Phong, Giám đốc Công an TP HCM.
Hoặc trầm trọng hơn, yêu cầu Tổng Bí thư “dân chủ đến thế là cùng” thay thế vai trò bí thư “vì dân và hành động” của ông Đinh La Thăng.
Sai lầm chính trị có hệ thống
Sự thật không thể chối bỏ là trong vòng một tháng rưỡi tính từ ngày nhậm chức bí thư thành ủy TP HCM, ngoài một số cố gắng mang tính tiểu tiết hoặc còn xa mới đạt tính khả thi như yêu cầu bắt buộc của các luận chứng kinh tế kỹ thuật ngành giao thông, công trạng đầu tiên của “Bình Nam chính ủy” của Tổng Bí thư Trọng là góp một bàn tay vào trận đòn trấn áp trí thức, đặc biệt nhắm vào những người yêu nước chỉ không muốn chế độ cầm quyền “người ta lớn bởi vì mi quỳ xuống”.
Cuộc tưởng niệm tại Sài Gòn về trận thảm sát Gạc Ma cùng cái chết vì nước quên thân của 64 quân nhân Việt Nam đã một lần nữa, trong rất nhiều lần, biến thành bằng chứng sôi tiết của lực lượng công an “vì dân phục vụ” của thành phố này khi cấm không cho ra khỏi nhà nhiều trí thức – những người chỉ muốn đến Tượng đài Trần Hưng Đạo để đặt một vòng hoa, thắp một nén nhang cho người chết.
Không có những cái chết vì nước quên thân ấy, sẽ chẳng có những kẻ sống sót đang ung dung hưởng thụ bằng tiền thuế của dân như Thành ủy và Công an “thành phố mang tên Bác”. Và cả Bí thư Thăng…
Sai lầm của Bí thư Thăng, đến lúc này, có thể bước đầu kết luận đã mang tính xâu chuỗi và hệ thống.
Sai lầm đầu tiên – ngày 17/2/2016 tại Sài Gòn – có thể tạm bỏ qua, khi ông vừa chân ướt chân ráo “từ nay tôi sẽ dành toàn tâm toàn ý cho TP HCM”. Cuộc kỷ niệm chiến tranh biên giới phía Bắc 1979 cùng 6 vạn quân nhân và đồng bào hy sinh đã bị biến thành một cái lò mổ kinh dị khi an ninh xông vào đám đông giằng xé, đập nát các vòng hoa, rất nhiều trí thức và người dân yêu nước bị ngăn chặn không cho ra khỏi nhà, bị lôi xuống xe trên đường đến nơi kỷ niệm, rồi còn bị đánh đập thẳng tay. Ngay sau đó, một bức thư ngỏ gửi Bí thư thành ủy Đinh La Thăng đã được 61 trí thức cùng ký tên, vừa thống thiết vừa cảnh báo với ông Thăng trước hình ảnh chà đạp thẳng chân lên nhân quyền và dân chủ tại một thành phố chưa bao giờ thuộc về Hà Nội.
Vào ngày 17/2/2016 ấy, cái tên Đinh La Thăng đã bị những người dân Sài Gòn réo lên, vừa trách móc hoài nghi vừa công phẫn. Nhưng dù gì, vẫn có những người cảm thông vì tân bí thư thành ủy “chưa đầy 100 ngày”.
Nhưng đến cuộc tưởng niệm 14/3 năm nay thì không thể nói là Bí thư Đinh La Thăng vô can. Với vai trò một lãnh đạo chính trị, ông phải biết, thậm chí biết rất rõ về hành vi công an trấn áp tinh thần phản kháng Trung Quốc có thể mang lại hậu quả phản kháng ghê gớm đến thế nào đối với chế độ mang danh Cộng sản. Và cả với cá nhân ông.
Nhưng trong lúc còn say sưa tuyên truyền mở đường dây nóng “dân nguyện” cho Thành ủy thì Bí thư Thăng lại không hề có động tác nào trả lời bức thư phản kháng ngày 17/2 của 61 trí thức về vi phạm quyền tự do đi lại và tự do hội họp. Đó chính là một sai lầm chính trị – sai lầm đầu tiên đối với người từng phụ trách công tác đoàn, nhưng giờ đây não trạng đã như bị nhiễm không chỉ bệnh nghề nghiệp mà còn là lối suy nghĩ bệnh hoạn “nhìn đâu cũng thấy địch” của ngành công an.

Thứ Hai, 14 tháng 3, 2016

Ai chịu trách nhiệm trong việc im lặng trước hải chiến Hoàng Sa -...



Trần Đức Anh Sơn

NGƯỜI NƯỚC HUỆ

13-3-2016

Tháng 7/2013, tôi sang Singapore để thực hiện một số cuộc phỏng vấn các học giả chuyên nghiên cứu về tranh chấp trên Biển Đông tại Trung tâm Nghiên cứu Đông Nam Á (ASEAN Studies Centre) cho bộ phim tài liệu về chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa do Đài Truyền hình Thành phố Hồ Chí Minh (HTV) thực hiện. Sau giờ làm việc, tôi được Alex Giang, một người bạn Hà Nội đang làm luận án tiến sĩ ở ĐHQG Singapore mời đi uống trà và nói chuyện về gốm sứ cổ với ông Phó chủ tịch Hội sưu tầm và nghiên cứu gốm sứ Singapore.

Qua trò chuyện, khi biết mục đích chính của tôi đến Singapore là để phỏng vấn các học giả ở Singapore về vấn đề chủ quyền trên Biển Đông, ông Phó chủ tịch Hội sưu tầm và nghiên cứu gốm sứ Singapore nói: “Paracels (Hoàng Sa) và Spratlys (Trường Sa) là những hòn đảo của Trung Quốc, Việt Nam tranh với Trung Quốc làm gì và làm sao mà tranh được!”.

Thứ Năm, 10 tháng 3, 2016

Có loại tiến sĩ nào cứ nói một câu thiên hạ lại chửi đến mười câu ?




 Nguyễn Lân Thắng

9-3-2016




Tổng Bí thư đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng. Photo: AP

Thế này thế khác… là thế nào?

Vừa qua ông đảng trưởng đảng cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng trong dịp tiếp xúc cử tri ngày 8/3/2016 đã phát biểu một câu xanh rờn: “Không để lọt vào cơ quan lãnh đạo cao nhất của Đảng, Nhà nước những phần tử thế này thế khác”.

Tôi biết ông là đảng trưởng một cái đảng mà quyền lực của nó đã được ấn định vào hiến pháp ở đất nước này. Tôi biết đảng của ông nắm tất tần tật từ trên xuống dưới, từ trong ra ngoài mọi vận động của mọi cơ quan cảnh sát, nhà tù, toà án, quân đội. Tôi biết ông chỉ phẩy tay cái thôi là lập tức dạng tép riu như tôi biến mất không còn dấu vết gì trên cái thiên đường này. Thế mà, tại sao ông khó chịu đứa nào, ông không chỉ mặt chỉ tên đứa đó ra đi? Ông không cho sai nha bắt bằng hết chúng nó đi? Sao ông phải bóng gió, phải ẩn dụ, phải nói xa nói gần với cái bọn dân đen mắt toét răng vàng chả có tý quyền lực nào trong tay? Chẳng thà như ông Ba Dũng, quyền lực đầy mình, đến nỗi cỡ như ông Tư Sang muốn xỏ xiên còn phải nói tránh đi là “đồng chí X”. Cái bọn nào nữa đây, ghê gớm đến đâu đây, mà ông phải uốn éo gọi là “phần tử thế này thế khác”…?

Thế nào là thế này thế khác? Tôi chắc chắn ông đã phải gọi cái bọn thế này thế khác thì không bao giờ ông dám trả lời câu hỏi này của tôi trước bàn dân thiên hạ. Nên tôi cũng nói thẳng luôn cái tim đen của ông xem thử ông có còn biết giật mình không nhá.

Thứ Bảy, 5 tháng 3, 2016

Tự thuật về chuyện vào Đảng Cộng Sản.





Nguyễn Đình Cống

5-3-2016

Thời còn sinh hoạt trong Đoàn Thanh niên Cứu quốc và Thanh niên Lao động (trước và sau 1956) nhiều đoàn viên đặt mục tiêu phấn đấu trở thành đảng viên, họ xem đó là một vinh dự rất lớn, là nhiệm vụ cao đẹp. Đó là do họ đã tin theo đúng tuyên truyền của Đảng. Riêng một số khác, trong đó có tôi không đặt mục tiêu như vậy. Chúng tôi cũng phấn đấu nhưng để trở thành cán bộ khoa học giỏi chuyên môn, có đạo đức và phương pháp tốt, trở thành người có ích cho gia đình và xã hội. Đến lúc đó Đảng có kết nạp hay không là tùy Đảng. Chúng tôi, một số trí thức trẻ, không những tích cực làm công tác chuyên môn và học tập nâng cao trình độ, mà còn hăng hái tham gia công tác đoàn thể, xã hội và chiến đấu. Thời kỳ năm 1960-1968 có nhiều giai đoạn tôi hoàn thành công việc gấp 2, gấp 3 lần định mức mà không nhận tiền làm thêm giờ, để hưởng ứng phong trào “ Mỗi người làm việc bằng hai, bằng ba vì đồng bào Miền Nam ruột thịt”.

Nhưng khi nhiều trí thức trẻ càng hoàn thiện trình độ và nhân cách thì sự xa rời giữa Đảng với họ càng tăng lên. Đó là vì Đảng muốn quần chúng trí thức phải thường xuyên xin ý kiến chỉ đạo về công tác và sự phấn đấu tu dưỡng tư tưởng, để tỏ ra phục tùng và trung thành với Đảng mà thực chất là với bí thư chi bộ (mà các bí thư này có một số thường thua kém nhiều mặt), còn trí thức thì đề cao sự tự trọng, không chịu được sự luồn cúi, nịnh hót. Thế là một số trí thức bị quy kết là kiêu ngạo, xa rời Đảng, là chỉ có “chuyên” mà kém “hồng”, trong lúc tiêu chuẩn cho cán bộ khoa học là vừa hồng, vừa chuyên, mà hồng quan trọng hơn..