Chủ Nhật, 6 tháng 11, 2016

Thất bại về đối ngoại của Việt nam




Nguyễn Đình Cống
5-11-2016
Đối ngoại và đối nội không phải chỉ là hoạt động của Quốc gia mà là của mọi tổ chức, mọi gia đình, mọi con người. Có 2 loại người với xu hướng khác nhau, hướng nội và hướng ngoại. Thông thường người hướng nội quan tâm nhiều đến đối nội, người hướng ngoại thích thú với đối ngoại hơn. Nhưng hướng về một phía nhiều quá sẽ thành cực đoan, không tốt. Vấn đề là giữ được quan hệ, giữ được cân bằng giữa hai lĩnh vực này.
Ngẫm nghĩ cho kỹ thấy rằng đối nội là gốc gác, cách gì cũng phải có. Vì vậy đối ngoại phải xuất phát từ đối nội và phục vụ cho đối nội. Trong hai việc, nếu bắt buộc phải ưu tiên cho một việc thì người khôn ngoan sẽ chọn đối nội, phải làm tốt đối nội mới có cơ sở vững chắc để đối ngoại. Ngược lại những người mắc “bệnh sĩ” sẽ chọn đối ngoại. Họ quá xem trọng hình thức và lời khen chê của mọi người, cố làm ra vẻ ta đây sang trọng, giỏi giang. Ca dao VN có bài nhận xét về loại người này: “Ra đường võng giá nghênh ngang/ Về nhà hỏi vợ cám rang đâu mày…”.

Bệnh sĩ của một con người đã tai hại, bệnh sĩ của một dân tộc, một đất nước càng tệ hại hơn. Nhưng nói bệnh sĩ của dân tộc có lẽ không đúng mà là của những người lãnh đạo, quản lý rồi lây lan ra trong xã hội. Khi đối nội chưa được tốt mà muốn khuếch trương đối ngoại để được nhiều tiếng khen thì buộc lòng phải tìm cách che giấu những thói hư tật xấu, che giấu những tệ nạn gặp phải. Như thế là phạm vào tội dối trá.
Các nước đều rất quan tâm đến ngoại giao. Tuy vậy cũng có một số nước ít quan tâm, họ chú trọng nhiều hơn đến đối nội. Bhutan là một trong những nước như vậy. Ở đó nhân dân được hưởng nền tự do, hạnh phúc vào loại bậc nhất của Châu Á và Thế giới, nhưng trong nhiều năm trước đây (và ngay cả bây giờ) Bhutan có rất ít quan hệ ngoại giao với các nước, đặc biệt không quan hệ với Trung Quốc, mặc dầu 2 nước có biên giới chung khá dài.
Trong hơn 70 năm qua, đối ngoại của Chính phủ Việt Nam có nhiều thành tích tốt đẹp và cũng phạm phải nhiều sai lầm, thất bại. Thành tích đã được nói và viết nhiều, tôi không phủ nhận, chỉ xin không viết lại. Vì là ý kiến phản biện nên chỉ viết về một số việc được cho là thất bại hoặc sai lầm. Không biết trong các tài liệu mật Chính phủ có tổng kết về chúng hay không, còn công khai không thấy nói đến, hoặc chỉ nói chung chung. Tôi chỉ muốn kể ra và phân tích một vài điều để ai cần thì rút ra bài học và kinh nghiệm.Tôi không làm trong ngành ngoại giao, những điều tôi kể ra chỉ được thu thập từ thông tin đại chúng.
Thất bại buổi đầu. Trong thời gian dài trên 5 năm, sau 1945, không có nước nào hưởng ứng lời kêu gọi trong Tuyên ngôn độc lập của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Chúng tôi tin rằng các nước Đồng minh đã công nhận những nguyên tắc dân tộc bình đẳng ở các Hội nghị Têhêrăng và Cựu Kim Sơn, quyết không thể không công nhận quyền độc lập của dân Việt Nam”. Tiếp theo là sự im lặng của Tổng thống Mỹ khi nhận những bức thư cầu xin, mặc dầu Chủ tịch Hồ đã tìm mọi cách ca ngợi Mỹ, trông chờ vào Mỹ. Tại sao vậy ?. Chính nghĩa, thiện chí, thông minh của chúng ta để ở đâu mà bên ngoài nhìn vào người ta không thấy, không công nhận. Phải chăng là tại sự chống phá của các thế lực thù địch và phản động. Tôi nghĩ rằng sự chống phá cũng có nhưng cơ bản nhất là tại Đảng Cộng sản phạm sai lầm trong việc tuyên bố tự giải tán rồi rút vào hoạt động bí mật. Đó là một mưu đồ lừa dối thiên hạ. Đó là sản phẩm của những đầu óc kém trí tuệ, chỉ quen dùng mưu mẹo trong những việc như đánh du kích và cướp của, cướp quyền. Người ta thừa biết anh dối trá, lừa gạt thì làm sao người ta công nhận anh được, làm sao người ta giúp anh được.
Hiệp ước với Pháp. Sai lầm tiếp theo là không tạm nhường Nam Bộ cho Pháp vào năm 1946.Việc này được cho là ý chí kiên quyết bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ, được nhiều người ca ngợi. Theo Hiệp ước Nhà Nguyễn ký với Pháp thì Nam kỳ là nhượng địa chứ không phải thuộc địa hoặc bảo hộ. Tháng 7/ 1945 Chính phủ Trần Trọng Kim thu hồi, tháng 9/ 1945 Pháp đòi lại, ta không chịu trả mới xẩy ra Nam bộ kháng chiến. Nếu khôn ngoan ra, tạm nhường vài năm rồi cũng sẽ thu hồi được. Vụ cố giữ cho được đất Nam kỳ là thuộc loại “Tham bát bỏ mâm “vì phải kháng chiến 9 năm và mất 20 năm chia cắt với không biết bao nhiêu xương máu và thù hận để thống nhất. Cuối cùng thống nhất được lãnh thổ trong sự chia rẽ dân tộc, cái giá phải trả quá đắt.

Hiệp định Genève. Hiệp định chia cắt đất nước ở vĩ tuyến 17. Nghe kể rằng Phạm Văn Đồng phải lau nước mắt khi ký. Chúng ta tính rằng nếu phải tạm thời chia cắt thì ranh giới ở vĩ tuyến 14. Nếu đấu tranh quá căng mà phải lùi thì cũng không thể đến vĩ tuyến 16. Nhưng rồi bị sức ép của Chu Ân Lai mà Phạm Văn Đồng ngậm đắng nuốt cay chấp nhận vĩ tuyến 17. Đây là do kết hợp giữa 2 yếu tố: sự đểu cáng của Chu và sự hèn yếu của Phạm. Nếu so với những sứ thần của VN trong lịch sử như Giang Văn Minh, Mạc Đĩnh Chi, Đỗ Khắc Chung, Lê Quý Đôn, Phùng Khắc Khoan… thì Phạm Văn Đồng kém xa. Ông Đồng kém vì thiếu dũng khí trước Chu Ân Lai và Môlôtôp, và cũng tại vì Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản VN mắc nợ người ta quá nhiều, chịu lệ thuộc quá nhiều. Phải làm theo lệnh nước ngoài thì có khác gì chính phủ bù nhìn.
Đuổi đại sứ Mỹ. Sai lầm ngoại giao một cách ngờ nghệch mà tưởng là anh dũng và thông minh là việc đuổi đại sứ Mỹ ở Sài gòn ngày 30/4/1975 bỏ chạy bằng máy bay trực thăng. Khi quân giải phóng tiến vào Sài gòn ngày 30 tháng 4, Đại sứ Bân cơ cho nhân viên ra đi trước, còn mình ở lại đến phút cuối cùng. Ông ta chờ một lời mời ở lại. Lời mời đó đã không có để rồi VN phải mất 20 năm, chịu không biết bao nhiêu sự cấm vận, cực khổ mới nối lại được. Đó là sai lầm của những người thừa kiêu ngạo mà thiếu trí tuệ.
Hội nghị Thành Đô. Sai lầm nguy hiểm là Hội nghị Thành Đô 1990. Ba nhân vật chủ chốt hồi đó là Phạm Văn Đồng, Nguyễn Văn Linh và Đỗ Mười thay mặt Đảng Cộng sản và Nhà nước VN đã cúi đầu nhận thần phục Trung cộng. Theo Nguyễn Cơ Thạch (Bộ trưởng Bộ Ngoại giao hồi đó) thì với hội nghị này VN sắp bước vào thời kỳ Bắc thuộc mới đầy nguy hiểm. Đó là hành động ngoại giao đầu hàng.
Thuật đu dây. Hiện nay nhiều người cho rằng VN đang thực hiện thuật đu dây giữa Mỹ và Trung Quốc. Người này cho là đúng, là hay, ngươì khác lại phê là sai, là dở. Xem qua lịch sử vài ngàn năm của các nước thấy rằng, đã có những nước giữ được ổn định và phát triển nhờ thuật này, nhưng cũng nhiều nước vì đu dây mà lâm vào cảnh lên bờ xuống ruộng, đẩy nhân dân vào cảnh lầm than. Nước Trịnh thời Xuân Thu (Đông Chu Liệt Quốc) là một thí dụ. Để sử dụng có hiệu quả thuật đu dây cần phải có một số điều kiện. Thế mà theo tôi VN đang thiếu các điều kiện đó.
Tạm kể một vài sai lầm và thất bại điển hình, còn có thể kể ra nhiều nữa, nhưng tạm dừng để bàn thêm chuyện khác.
Điều quan trọng trong ngoại giao (cũng như trong các quan hệ khác) là phải biết mình, biết người, phải tôn trọng phương châm đối ngoại trên cơ sở của đối nội và phục vụ cho đối nội, đối với các nước bạn bè phải trung thực, chân thành, hạn chế đến xóa bỏ bệnh sĩ.
Về biết mình. Trong nhiều năm chúng ta tự đánh giá quá cao, như là lãnh đạo vô cùng sáng suốt, nhân dân vô cùng anh hùng, rồi tự huyễn hoặc, tự vẽ phấn tô son. Biết đâu rằng thực chất trong nhiều năm, VN chỉ là anh lính xung kích của phong trào cộng sản, mà cụ thể là nằm dưới sự điều khiển của Trung Quốc.
Tự hào là một nước nhỏ mà đánh thắng 2 đế quốc lớn. Thực ra có phải như thế đâu. Trong chiến tranh ta chỉ là anh lính xung kích, đánh Mỹ thay cho Liên Xô và Trung Quốc. Ta bắn rơi được vài ngàn máy bay Mỹ, giết được vài vạn lính Mỹ thì ngược lại Mỹ cũng gây ra cho ta những thiệt hại nặng nề hơn về của và người. Ta nói Mỹ vào xâm lược VN, ta đã đánh thắng và đuổi đi. Mỹ nói họ vào để ngăn chặn tên lính xung kích của cộng sản Trung Quốc lan xuống vùng Đông Nam Á. Nhận thấy rằng bằng một vài cách khác ngăn chặn được rồi, đạt mục đích rồi thì họ rút ra, họ không có mục đích xâm lược, họ muốn vào thì vào, muốn ra thì ra. Trong khi ta đem lực lượng không những của toàn quốc mà còn có một phần của Trung Quốc và Liên Xô để đánh nhau với một đội quân vài vạn người, chỉ gồm một phần nhỏ của quân đội Mỹ mà cho rằng đánh thắng đế quốc Mỹ thì quả thật đã huyênh hoang một tấc đến trời.
Cho rằng đã đánh thắng được Pháp và Mỹ thì rồi việc gì ta cũng làm được là một lập luận vô cùng sai trái, thế mà người ta cứ tuyên truyền mãi. Đến thời kỳ xây dựng trong hòa bình mới lộ rõ mọi sự yếu kém và sai lầm. Nhưng đã lỡ mồm khoác lác về tài năng, về sáng suốt. Đâm lao phải theo lao, phải tiếp tục tuyên truyền ta khôn, ta giỏi.
Về biết người. Trong chiến tranh với Mỹ nhân dân thế giới thương hại nhân dân VN, ủng hộ, cứu trợ cho nhân dân chứ họ chẳng yêu quý gì thể chế cộng sản mà nhà nước theo đuổi. Và họ thương hại chứ không nể trọng. Nếu có cảm phục thì chỉ cảm phục trong thời gian ngắn về đức tính chịu hy sinh gian khổ trong chiến tranh, còn trong việc đấu tranh cho tự do, dân chủ, nhân quyền thì họ coi thường, coi khinh. Với nạn thuyền nhân thì họ càng kinh ngạc và phẫn nộ. Ngày nay một số không ít người Việt ra nước ngoài bị nhiều người sở tại cảnh giác, xem là bọn ăn cắp và gây rối.
Với các quốc gia, chúng ta có quan hệ ngoại giao với rất nhiều nước, ký nhiều hiệp định hợp tác toàn diện và chiến lược, nhận được một số viện trợ ODA, nhưng thử hỏi có nước nào thân thiết với ta như kiểu quan hệ giữa Mỹ với Nhật hoặc với Nam Hàn. Mang tiếng có nhiều bạn nhưng khi mà bị mắc kẹt vào ý thức hệ cộng sản thì không thể nào có bạn thân thiết trong những nước theo chế độ dân chủ. Họ đi lại, quan hệ với ta chỉ là theo hình thức ngoại giao.
Quan trọng là ta đã biết Mỹ và Trung Quốc đến đâu. Với Mỹ, từ trước 1945 Hồ Chí Minh rất muốn thân thiện. Vì kiên trì cộng sản và dối trá mà không nhận được giúp đỡ, chúng ta bị Mao Trạch Đông lừa gạt mà nhận định sai về họ, xem là kẻ thù không đội trời chung. Bây giờ tuy đã có thay đổi nhiều nhưng vẫn chưa đạt được như mong muốn. Với Trung Quốc, quan hệ trong lịch sử là khá phức tạp giữa phụ thuộc, bạn, thù. Ngày nay đa số nhân dân xem Trung Quốc là kẻ thù truyền kiếp với tham vọng bá quyền, muốn thôn tính Việt Nam; nhưng lãnh đạo nhà nước lại chịu khuất phục, chịu lệ thuộc và đàn áp những người dân chống Trung Quốc. Đây là một mâu thuẫn quá nặng nề, làm hủy hoại sự thống nhất ý chí dân tộc.
Về đối nội. Quan trọng và cơ bản nhất của đối nội là giải quyết mối quan hệ giữa chính quyền và nhân dân, nó gồm cả 2 mặt: hợp tác và đấu tranh xử lý mâu thuẫn. Về vấn đề này ở Việt nam có nhiều quan điểm khác lạ với rất nhiều nước dân chủ. Với một hệ thống 3 tầng (đảng, chính quyền, mặt trận) chồng chéo, dẫm đạp lên nhau, sự quản lý nhà nước của VN thuộc loại tồi tệ, kém hiệu quả, lãng phí vào loại bậc nhất thế giới. Chính quyền tồn tại nhờ vào 2 thế lực chính, công an và tuyên truyền, nhưng lại bất lực trước nhiều tai họa của xã hội, của môi trường. Mấu chốt nhất là lãnh đạo vẫn kiên trì con đường Mác Lê XHCN, họ cho rằng đó là nguyện vọng của toàn dân, trong lúc dân chẳng được hỏi ý kiến.
Phân tích qua như vậy để thấy đối ngoại của VN không hoàn toàn tuân theo nguyên tắc xuất phát từ đối nội và quay về phục vụ cho đối nội.
Về bệnh sĩ. Đây là loại bệnh không gây chết người, lại làm cho người ta sung sướng, tự hào trong chốc lát, nhưng mang lại tai họa trong bản chất và lâu dài. Có lẽ người Việt mắc bệnh sĩ thuộc hạng nặng nhất thế giới. Bệnh này có nguồn gốc từ trong những yếu kém của nền văn hóa dân tộc, gặp được môi trường thuận lới là đường lối tuyên truyền của cộng sản mà nó phát triển nhanh chóng, rộng khắp.
Trong nước bệnh sĩ biến tướng ra bệnh thành tích dỏm, là việc chạy khen thưởng, huân chương, danh hiệu anh hùng, danh hiệu gia đình và đơn vị văn hóa, nông thôn mới, bằng cấp dỏm các loại v.v…
Ra nước ngoài, hễ thế giới có cuộc thi gì thì Việt Nam cố chọn vài người, tập trung huấn luyện, bồi dưỡng thật lực, không kể tốn kém, đi thi mà kiếm lấy huân chương, để khoe khoang là chủ yếu, chẳng cần đại diện cho một cơ sở nào, còn tình trạng lạc hậu của các nghành nghề thì mặc kệ trời đất. Thì đấy, năng suất lao động thuộc loại thấp nhất mà thợ đi thi tay nghề đạt huy chương vàng, giỏi nhất khu vực; giáo dục xuống cấp trầm trọng mà học sinh thi thế giới môn nào cũng được vài huy chương vàng bạc.
Hễ thế giới có Công ước gì mới thì VN là một trong những nước ký đầu tiên. Ký xong, tuyên truyền xong rồi để đó, không cần thực hiện. Có được các di sản vật thể và đặc biệt là phi vật thể nào thì cố mà chạy để UNESCO công nhận. Một số điệu hò, điệu hát thi nhau chạy, theo kiểu “con gà tức nhau tiếng gáy”. Cái điệu hát A ở vùng kia được rồi thì điệu hò B của vùng ta tốn bao nhiêu cũng cố mà chạy cho được chứ. Phải chi tiêu khá tốn kém để chạy được rồi, tổ chức ăn mừng rồi, xong thì để đó, chẳng dùng làm gì, chẳng mấy ai nhớ tới, chỉ là để thỏa bệnh sĩ trong thời gian ngắn.
Ở Liên hiệp quốc, có cơ quan gì thì ta cố chạy, cố vận động các nước ủng hộ để vào cho được. Vào được Hội đồng nhân quyền trong khi nhân quyền trong nước bị nhiều nơi lên án. Vào được Hội đồng bảo an trong lúc đất đai và biển đảo mất dần vào tay bọn bành trướng Trung cộng. Vào được Ủy ban luật pháp trong khi những bản án oan sai và bị tẩy chay ngày càng nhiều. Như vậy phải chăng vào các co quan của Liên hiệp quốc là chỉ để thỏa mãn bệnh sĩ.
Rồi rất nhiều đoàn cấp cao tấp nập đi lại thăm nhau. Trong việc thăm này cái lợi cho những người tham gia, sự tốn kém của công quỹ là rõ ràng, còn Quốc gia, nhân dân được gì không, hiệu quả như thế nào thì chưa thấy ai khảo sát và tổng kết.
Vài lời chốt lại. Cứ nghe báo cáo và tuyên truyền một chiều thì mọi người tưởng nhầm là thành tích và tài năng đối ngoại của chúng ta trong hơn 70 năm qua thuộc loại nhất nhì thế giới và rực rỡ nhất trong lịch sử dân tộc. Viết ra vài điều phản biện, lật lại để xem mặt trái của tấm huân chương, may ra có thể cung cấp được vài thông tin và ý kiến cho những người tử tế, còn có lương tri để tránh bớt nhầm lẫn, chỉ biết nghe tuyên truyền một chiều.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét