Thứ Hai, 8 tháng 8, 2016

Chọn cá hay chọn thép



Nguyễn Duy Vinh
7-8-2016
A. Những nghi vấn quanh vụ phơi bày sự việc bởi Formosa Hà Tĩnh ngày 30 tháng 06:
Khi nói đến những lò đốt quặng mỏ khổng lồ, người ta có thể mường tượng đến những bất trắc rủi ro (tiếng Việt mới bây giờ người trong nước hay dùng hai chữ “sự cố”) rất lớn trong lúc chuyển vận các dung dịch sắt (chảy) nóng bỏng từ những lò đốt có nhiệt độ cao (1600 độ C) và các dung dịch xả thải. Ngoài ra còn phải kể đến những tấn quặng mỏ rắn được chuyên chở mỗi ngày bởi những xe vận tải lớn (loại xe 10 tấn hay xe ben) từ những bãi quặng sắt rắn đến thẳng lò nung hay đến những đoàn tàu xe lửa có bánh sắt (wagon) để được chở đến lò nung. Việc phòng ngừa tai nạn, việc bảo trì vật liệu và dụng cụ máy móc và việc cứu thương khẩn cấp là những nghiệp vụ rất quan trọng trong việc thiết bị một nhà máy công nghệ nặng như nhà máy luyện gang thép Formosa Hà Tĩnh.
Những hệ thống báo động khi rủi ro được phát hiện nằm trong chương trình thiết kế và hoàn bị của nhà máy là chuyện cần thiết không thể thiếu. Mỗi khi một bất trắc xảy ra (cả ngàn thứ có thể xảy ra như chất lỏng thép chảy ra ngoài tung tóe, nổ lớn khi dung dịch lỏng được đổ sang lò làm nguội, vật liệu hỏng, dụng cụ máy móc ngừng chạy, nhiệt độ lên cao hơn bình thường, có người bị thương cần cứu chữa khẩn cấp, điện tắt bất thình lình đưa đến những chuỗi rủi ro khác, nước hay ốc xi thất thoát hay vượt ngưỡng an ninh v.v…), hệ thống an ninh tự động lập tức báo động ầm ĩ (rung chuông hay còi hụ) và đồng thời tự động cho lệnh (qua những hệ thống tin học mà chữ nước ta gọi nôm na là phần mềm) đóng sầm những van (valves) ở những cửa tiếp liệu chiến lược để tránh cung cấp thêm những chất có thể làm trầm trọng thêm tình huống ở nhưng nơi đang có đổ vỡ xảy ra.
Thêm vào đó, những công nhân và những chuyên viên làm việc cho các nhà máy luyện thép, từ những phu khuân vác cho đến các bác tài lái những chiếc xe vận tải khổng lồ, từ những anh cán sự (technicians) đến những viên chức lo việc bảo trì và quan trắc (chữ mới trong nước, tiếng Anh là monitoring), từ những cai gác tuần hành đêm ngày đến những ông quản lý ngồi trong những văn phòng có máy lạnh, tất cả đều phải được thụ huấn và được dự thường xuyên những buổi học về vấn đề an ninh và an toàn nhà máy, về hệ thống bảo trì và về những điều phải làm khi có rủi ro quan trọng xảy ra. Một hệ thống bảo trì tốt và một hệ thống an ninh tự động có kỹ thuật cao và đã được thử nghiệm kỹ càng là hai yếu tố vô cùng quan trọng trong việc bảo đảm an toàn cho nhân viên cũng như cho việc giữ gìn công nghiệp tốt đẹp bền vững về lâu về dài của nhà máy [1].
Ngày 30 tháng 06, Formosa Hà Tĩnh thông báo lý do gây ra thảm họa môi trường trầm trọng ở Vũng Áng làm chết trên 250 cây số biển của 4 tỉnh miền Trung là do sự mất điện trong 5 ngày liên tiếp và việc các nhà thầu phụ làm việc có lỗi lầm ở nhà máy. Formosa Hà Tĩnh đã không cho biết một chi tiết khoa học nào về sự liên hệ giữa những lý do được công bố và sự tống phun chất độc qua ống ngầm. Vì muốn phun ra cả triệu lít dung lượng xả thải, chắc chắn phải nhờ vào các máy bơm chạy bằng điện bơm những dung dịch này sâu vào lòng biển Việt Nam qua một ống ngầm dài 1.7 km có đường kính rộng trên 1 mét. Những máy bơm khổng lồ này lấy điện từ đâu để chạy nếu có sự mất điện? Những lý do Formosa Hà Tĩnh đưa ra khiến tác giả bài viết này có những suy nghĩ và nghi vấn sau :
  1. Cho là Formosa Hà Tĩnh nói thật: “Sự thật” này, nếu được kiểm chứng, là một bằng chứng hùng hồn cho thấy hệ thống báo động an ninh và an toàn tự động của Formosa Hà Tĩnh có vấn đề. Hệ thống phát hiện rủi ro của nhà máy Formosa Hà Tĩnh không an toàn và thiếu tính chủ động (fail-safe) để ngăn chặn kịp thời những chuỗi bất trắc khác có thể xảy ra (và đã xảy ra) sau đó.
  2. Hoặc là Formosa Hà Tĩnh nói dối: Vụ thảm họa môi trường xảy ra là vì Formosa Hà Tĩnh đã cố tình xả thải bừa bãi vào biển vì họ biết nhà nước Việt Nam đang dễ dãi và dung túng họ và nhà nước này sẽ tìm mọi cách để bảo vệ họ. Tưởng tượng cả mấy triệu lít dung dịch xả thải cực độc mỗi ngày được phun ào ạt ra biển từ cái ống ngầm, trong 5 ngày liên tiếp, mà chẳng ai hay biết gì cả là một chuyện thật khó tin.
Và trước khi bàn tiếp về nguyên nhân cá chết, hãy tìm hiểu thêm những rủi ro bất trắc gây ra bởi những độc tố thoát ra từ các nhà máy luyện thép. Có 3 loại độc tố : lỏng, rắn và khí. Về chất khí thì cũng nên kể đến những chất sau [1] :
a. Chất khí CO (mono ốc xít các bon) : những lò đốt nóng luyện thép và nhất là lò đốt luyện than coke là những lò sản xuất chất khí CO nhiều nhất (chiếm khoảng 40% tổng số khí CO phát xuất từ nhà máy).
b. Bụi và khói độc : những tảng bụi khổng lồ và khói độc được phun ra trong không khí mỗi ngày như H2, CH4, CO, CO2, NH3, SO2, NO2, H2S, HF …
Những chất cực độc phát xuất trong quá trình luyện thép đọc được từ các bài tham khảo [1] và [2] cho thấy những chất thải độc chính như xya-nua (CN), ammonium (NH4)phenol (C6H5OH ) là 3 chất có mặt thường xuyên trong dung dịch xà thải của những lò luyện gang thép. Những kim loại nặng (heavy metals) dùng trong việc luyện thép cũng có mặt nhiều vô kể : cadimi (Cadmium), chì (Pb), kẽm (Zn), thủy ngân (Hg), Mangan, Ni ken, và Crôm (Cr).
Ở đây trong phạm vi bài viết này, tác giả bài viết xin không (dám) bàn đến việc chuyển đổi và khắc phục (tiếng trong nước là xử lý) những chất xả thải lỏng, rắn và khí cho nó bớt độc. Có thể sẽ có những chuyên gia về ngành này ở trong nước và ở hải ngoại viết những bài trong tương lai giúp chúng ta hiểu thêm về cách chuyển đổi và khắc phục những chất độc trước khi những chất này được phun vào thiên nhiên.
B. Nhiều sự thật khác được phanh phui sau ngày cá chết hàng loạt:
Các viên chức Bộ Tài Nguyên và Môi Trường (TNMT) giám sát và thẩm định cẩu thả những loại chất thải mà Formosa đã và tiếp tục đổ ồ ạt ra biển:
Nhờ vào việc làm nghiêm túc của các ký giả và phóng viên báo Lao Động, ngày 02 tháng 08 vừa qua người dân trong nước hiện nay bắt đầu biết được nhiều sự thật kinh hoàng. Qua những lời tuyên bố với phóng viên (nhóm PV) báo Lao Động của các ông Bùi Cách Tuyến (cựu Thứ trưởng phụ trách Tổng Cục Môi Trường), tiến sĩ (TS) Nguyễn Khắc Kinh (cựu Vụ trưởng Vụ Thẩm Định và Đáng giá tác động môi trường, còn được viết tắt là ĐTM theo các báo trong nước), việc đáng giá môi trường (ĐTM) của các viên chức Bộ TNMT có tính cách thiếu trung thực và đồng thời có sự lơ là (cố tình) của nhiều đoàn đi kiểm tra giám sát Formosa Hà Tĩnh từ năm 2007 lúc ông Mai Ái Trực còn làm Bộ trưởng Bộ TNMT. Theo các bài báo của nhóm PV Lao Động, trách nhiệm của Bộ TNMT trong vụ thảm họa môi trường Vũng Áng rất lớn vì bộ này đã ký chấp thuận cho phép Formosa Hà Tĩnh xả thải thẳng ra biển cũng như việc ký các văn bản đánh giá ĐTM. Chính TS Nguyễn Khắc Kinh đã tự khai là dù ông không tham gia hội đồng thẩm định, ông vẫn được ủy quyền ký bản đánh giá ĐTM hai tháng trước khi ông nghỉ hưu!
Gần đây nhất, khi bài viết này chưa ráo mực thì một sự thật khác đã được phanh phui và đăng trên anh-ba-sàm [3]. Tin nóng hổi này cho biết ông cựu Thứ trưởng Bộ TNMT Nguyễn Thái Lai, 20 ngày trước khi ông về hưu, đã ký văn bản cho phép Formosa Hà Tĩnh xả nước thải ra biển. Dưới đây là một đoạn của nguyên văn bản tin nóng hổi đăng trên trang Ba Sàm [3]:
 “Theo giấy phép này, Formosa được xả nước thải sau xử lý từ hệ thống xử lý nước thải công suất 45.000m3/ngày đêm của Khu liên hợp gang thép và cảng Sơn Dương Formosa Hà Tĩnh. Nước thải sau xử lý được bơm và dẫn theo đường ống thép không gỉ ra đến đập quan trắc nước thải, sau đó chảy ra biển ven bờ vịnh Sơn Dương theo phương thức tự chảy, xả giữa dòng. Chế độ nước xả thải liên tục 24 giờ/ngày đêm. Có 2 vị trí quan trắc nguồn nước tiếp nhận tại vịnh Sơn Dương: Vị trí cách vị trí xả nước thải sau xử lý 250m về phía bờ và vị trí cách vị trí xả nước thải sau xử lý 250m ở ngoài khơi. Tần suất quan trắc 3 tháng/1 lần. Ngoài ra, Formosa cũng phải chịu kiểm tra, giám sát của cơ quan quản lý tài nguyên nước và môi trường ở Trung ương và địa phương; chuẩn bị nhân lực, trang bị các phương tiện, thiết bị cần thiết để sẵn sàng ứng phó, khắc phục sự cố gây ô nhiễm nguồn nước. Giấy phép này chính là căn cứ để sau này cả Bộ TNMT và Formosa Hà Tĩnh khẳng định là: “Đường ống xả thải ra biển của Formosa được cấp phép chứ không phải lắp đặt lén lút” (trả lời báo chí của Thứ trưởng Bộ TNMT Võ Tuấn Nhân bên lề cuộc họp của lãnh đạo 4 tỉnh miền Trung với liên Bộ NNPTNT, TNMT).”
Phát hiện chất thải độc của Formosa được chôn lấp trái phép nhiều nơi:
Phát hiện đầu tiên về việc chôn lấp các chất thải rắn có nguồn gốc từ nhà máy Formosa Hà Tĩnh làm cả nước xôn xao. Ngày 11 tháng 07, báo chí trong nước đưa tin lực lượng chức năng phát hiện khoảng 270 tấn (tức là 270000 kg) chất thải rắn từ Formosa đã được chôn lấp trái phép ngay trong khu vực trang trại của ông Lê Quang Hòa ( Giám đốc Công ty Môi trường đô thị) ở thị xã Kỳ Anh. Vài ngày sau, theo báo Người Lao Động, lực lượng chức năng lại phát hiện thêm 2 địa điểm chôn lấp chất thải rắn khác của Công ty ông Lê Quang Hòa với số lượng 14 tấn (14000 kg) có nguồn gốc từ nhà máy Formosa. Rồi cứ như thế, nhà cháy và chuột tiếp tục chạy ra đầy đường, chất thải rắn của Formosa đã được vận chuyển từ Hà Tĩnh lên đến Phú Thọ ! Ngày 16 tháng 07, Công ty Môi trường Phú Hà đã báo cáo Sở TNMT Phú Thọ về việc công ty này chôn lấp hơn 140 tấn chất thải nguy hại từ Formosa Hà Tĩnh.  Rồi mới đây nhất, theo tin tức của Nguyễn Nhâm (Người Đưa Tin), công an tỉnh Đồng Nai đã phát giác một khối lượng khổng lồ lên đến hàng trăm tấn bùn thải nguy hại được vận chuyển từ Formosa Hà Tĩnh và đã được chôn lấp bởi Công ty Chin Well Fasterners tại Khu Công Nghiệp (KCN) Nhơn Trạch thuộc xã Hiệp Phước, huyện Nhơn Trạch, Đồng Nai.
Quy trình của Đảng Cộng Sản Việt Nam về Khu Công Nghiệp Vũng Áng đã dành rất nhiều ưu ái cho Formosa Hà Tĩnh:
Theo điều 04 của Hiến Pháp Việt Nam 2013, mọi việc điều hành công việc nước đều do sự lãnh đạo của đảng mà người đứng đầu có trách nhiệm cao nhất là ông Tổng Bí Thư (TBT). Khu Công Nghiệp (KCN) Vũng Áng ra đời dưới thời lãnh đạo của ông TBT Nông Đức Mạnh (2001-2011). Quy trình đại quy mô có tham vọng biến Vũng Áng thành một thành phố công nghiệp, du lịch và thương mại có tầm vóc quốc tế đã được thảo luận từ những năm 2008 và kéo dài đến ngày nay. Đây là một dự án rất lớn, có số vốn đầu tư hàng chục tỷ đô la USD, được xem là dự án FDI lớn nhất Việt Nam theo các báo trong nước. Hiện nay ông TBT Nguyễn Phú Trọng là người nối tiếp “giấc mơ” vĩ đại này. Và người thừa hành nhận lệnh đảng phân công không ai khác hơn là cựu Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng (2006-2012), ông Dũng là người có trách nhiệm tối hậu trong việc cho phép Formosa Hà Tĩnh thuê đất 70 năm. Và người “có công” rất lớn trong quy trình đại quy mô Vũng Áng, trong việc đưa Formosa về Hà Tĩnh, không ai khác hơn là ông Võ Kim Cự, người đã từng là Trưởng Ban Quản Lý Khu Kinh Tế Vũng Áng. Năm 2014, ông Võ Kim Cự, lúc đó giữ chức Chủ Tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh, vẫn còn nhắc đến Formosa với tất cả lòng biết ơn, theo như báo Tiền Phong ghi lại : “một dự án cực kỳ lớn…chúng tôi có cơm ăn, có việc làm, có đường sá, có điện, có cảng nước sâu, có hạ tầng, thâm chí có cả dầu, không thua kém nơi nào…nhà nhà đua nhau mở quán cà phê, karaoke…nhiều nhà còn mua được 2 ô tô … như vậy Formosa tác động cực lớn…”. Tất cả những văn bản và những quyết định cho phép Formosa đặt địa bàn nhà máy tại Vũng Áng đã được các chức năng UBND Hà Tĩnh ráo riết nhanh chóng phê chuẩn chấp thuận.
C. Chọn cá hay chọn thép?
Các độc giả đọc đến đây cũng đã hiểu và nhìn thấy là những nguyên nhân gây thảm họa môi trường Vũng Áng có sự liên hệ chằng chịt với nhau. Từ quy trình nhà nước cho dự án đại quy mô Vũng Áng cho đến việc mở cửa vội vàng mời Formosa vào nhà. Từ những thẩm định và đánh giá môi trường hời hợt của Bộ TNMT đến công nghiệp luyện gang thép thiếu an toàn của nhà máy Formosa Hà Tĩnh. Tất cả những điều này đều đóng góp tích cực vào tai nạn môi trường lớn nhất chưa từng có trong lịch sử Việt Nam.  
Nhà nước Việt Nam, vì tham tiền và vì muốn ổn định kinh tế trong chiều hướng kinh tế thị trường, đã quyết định chọn thép và các viên chức nhà nước đã không đủ tài sức nhìn thấy tầm nguy hiểm của “quả bom nổ chậm” Formosa. Nhà nước đã đưa dự án Khu Công Nghiệp Vũng Áng vào Việt Nam thì nhà nước phải có trách nhiệm giải quyết (xử lý) nó đến nơi đến chốn. Ở đây người ta có thể tiên đoán rằng sẽ có những “con dê tế thần” được đem ra “trước máy chém” trong những ngày sắp tới để nhà nước phủi tay trốn tránh trách nhiệm. Và nhà nước có thể sẽ không bao giờ tống cổ Formosa Vũng Áng ra khỏi Việt Nam. Nếu việc này xảy đến thì đây đúng là một phép lạ.
Người dân sống ven biển Hà Tĩnh vì nghèo khó, vì thiếu học và vì thiếu tiếng nói, đã không được tham dự trực tiếp vào việc mời ông Formosa vào nhà. Họ cũng không biết gì về một quả bom môi trường nổ chậm cho đến khi nhìn thấy cá chết cả ngàn con trôi lềnh bềnh vào bãi biển ngày 06 tháng 04 năm 2016. Và vì miếng cơm manh áo lâu dài, đời này sang đời khác, nhờ vào việc bám biển mưu sinh, trước một thảm họa môi trường to tát đã xảy ra mà các độc tố sẽ tiếp tục hoành hành trong nhiều năm sắp tới, nếu được tham kiến, toàn thể ngư dân cũng như đa số người dân Việt Nam sẽ đồng thanh trả lời: chúng tôi chọn cá!
Ông Chu Xuân Phàm (một nhân viên Formosa Hà Tĩnh hình như đã bị Formosa cho nghỉ việc) có tuyên bố một câu rất táo bạo đã làm người dân trong nước nổi giận : “chọn cá hay chọn thép!”. Câu này tuy làm nhiều người đau lòng nhưng nó cũng hàm chứa một ít sự thật nào đó. Nhà nước đã chọn thép, điều này là điều chắc chắn. Và quả bom đã nổ. Thép sắt đã loang lổ khắp nơi. Từ Phù Ninh (Phú Thọ) xuống đến các huyện Kỳ Anh, Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh) và cuối cùng đến tận huyện Nhơn Trạch (Đồng Nai), chất độc Formosa đã được rải ra tung tóe khắp nơi. Rồi đến khi cá chết cả triệu con trôi lềnh bềnh vào bờ, trải dài trên 250 cây số bờ biển, một dãi đất quê hương của 4 tỉnh miền Trung bây giờ vắng bóng người qua, quả bom môi trường đã thành hiện thực. Thiệt hại cho ngư dân rất nặng nề. Nhà nước phải chịu trách nhiệm tối hậu cho cái quy trình do chính mình đặt ra, tham dự và điều hành đã đưa đến thảm họa môi trường ngày nay.
Như nhà văn Hoàng Quốc Hải đã kết luận thật chí lý trong bài đăng trên trang Ba Sàm mới đây [4]:
 “Nếu muốn giữ cho mệnh nước trường tồn, phải giữ cho bằng được môi trường sinh thái biển trong lành và bình yên. Như vậy, chấp nhận Formosa tồn tại là điều không thích hợp. Vẫn chưa muộn, nếu ta phạt Formosa hành vi đầu độc môi trường, khởi kiện Formosa gây thảm họa môi trường, và cuối cùng là mời họ ra khỏi nước ta.”
Riêng về nguyên nhân ngộ độc trực tiếp gây cá chết hàng loạt, hiện nay đã có ít nhất 2 bài viết khoa học và một giải thích ngắn. Giải thích ngắn đến từ các viên chức Bộ TNMT và VPCP với sự có mặt và những lời tuyên bố của Bộ trưởng Bộ TNMT Trần Hồng Hà cũng như Bộ trưởng Văn Phòng Chính Phủ (VPCP) Mai Tiến Dũng trong công bố chính thức ngày 30 tháng 06. Theo công bố này, nhà nước đã huy động trên 130 khoa học gia trong và ngoài nước trong việc thu thập dữ liệu và xác định nguồn thải cực độc đến từ khu vực Vũng Áng. Theo ông Mai Tiến Dũng, nguồn thải này chứa chất độc hỗn hợp gồm có xya-nuya, phenol và sắt có tỷ trọng lớn hơn nước biển được dòng hải lưu đưa từ Hà Tĩnh tới Thừa Thiên – Huế là nguyên nhân làm hải sản và sinh vật biển chết hàng loạt, nhất là tầng đáy biển.  Công bố ngày 30 tháng 06 được báo Đất Việt [5] ghi lại như sau qua bài viết của kỹ sư Nguyễn Minh Quang [6] (hiện đang cư ngụ ở Hoa Kỳ) trong đó ông Quang đã có ghi chú thêm trong ngoặc các công thức hóa học của những chất phenol, xyanua và hydroxit sắt :
 “Theo chỉ đạo, Bộ Khoa học và Công nghệ đã chủ trì, phối hợp với Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam [HLKH&CN], các bộ ngành liên quan, huy động trên 100 chuyên gia, nhà khoa học đầu ngành từ 30 cơ quan trong và ngoài nước đã tổ chức thu thập, phân tích dữ liệu, có sự phản biện độc lập của các chuyên gia quốc tế, đã xác định có nguồn thải lớn xuất phát từ khu vực Vũng Áng, tỉnh Hà Tĩnh, chứa độc tố như phenol [C6H5OH], xyanua [cyanide (CN)],… kết hợp với hydroxit sắt [iron hydroxide (Fe(OH)2)], tạo thành một dạng phức hỗn hợp (Mixel), có tỷ trọng lớn hơn nước biển, theo dòng hải lưu di chuyển theo hướng Bắc-Nam từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên- Huế là nguyên nhân làm hải sản và sinh vật biển chết hàng loạt, nhất là ở tầng đáy. Bộ Tài nguyên và Môi trường [TN&MT] đã chủ trì, phối hợp với các bộ ngành, địa phương liên quan tổ chức rà soát các nguồn thải; thành lập Đoàn kiểm tra liên ngành về bảo vệ môi trường và tài nguyên nước với sự tham gia của các cán bộ, chuyên gia, nhà khoa học đầu ngành và đã phát hiện Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà tĩnh (FHS) có một số hành vi vi phạm; xác định những sự cố xảy ra trong quá trình vận hành thử nghiệm của FHS đã dẫn đến nước thải từ Công ty xả ra biển có chứa các độc tố phenol, xyanua, hydroxit sắt vượt quá mức cho phép.”
Riêng ông Nguyễn Minh Quang thì ông có cái nhìn khoa học khác [6]. Nghi ngờ về tính khoa học của những giải thích chính thức của nhà nước Việt Nam, ông Nguyễn Minh Quang dùng kết quả phân tích mẫu nước thu thập được ngày 15 tháng 04 ở Lăng Cô nơi đang có cá chết hàng loạt trôi vào bờ lúc bấy giờ để đi đến kết luận là:
“cả hai chất phenol và xyanua đều không được phát hiện trong tất cả các mẫu nước.  Ngược lại, 5 trong 6 mẫu nước thu thập được có chứa ammonium (NH4) cao hơn tiêu chuẩn nuôi trồng thủy sản và bảo tồn thủy sinh của Việt Nam là 0,1 milligrams per Liter (mg/L). Năm mẫu nước nầy có nồng độ từ 0,154 đến 0,416 mg/L.  Với nồng độ NH4 nầy, cá biển có thể chết ngay lập tức vì nồng độ an toàn của ammonia/ammonium cho cá nước mặn là zero. Ammonia/ammonium làm cho các phiến mô của mang cá sưng lên và dính vào nhau khiến cho cá không thở được mà chết
Và ông Quang đưa ra những đề nghị sau đây cho nhà nước Việt Nam:
Nguyên nhân cá chết hàng loạt ở miền Trung trong tháng 4/2016 do Chính phủ Việt Nam vừa công bố dường như không giải đáp thỏa đáng những gì đang được người dân mong đợi.  Ngược lại, nó còn đặt ra nhiều nghi vấn về tính khoa học và mức độ chính xác của nguyên nhân do Chính phủ Việt Nam công bố.  Để làm sáng tỏ những nghi vấn đó, Chính phủ Việt Nam nên cứu xét những việc sau đây:
  1. Công bố rộng rãi tất cả các tài liệu, hồ sơ, nghiên cứu, phản biện liên quan đến việc khẳng định nguyên nhân cá chết hàng loạt ở miền Trung, kể cả kết quả phân tích mẫu cá chết và nước dùng cho việc truy tìm nguyên nhân.
  2. Duyệt xét lại giấy phép xả thải của Formosa để lấp tất cả “kẽ hở pháp luật,” vì theo Bộ trưởng Trần Hồng Hà: “Có thể nói ta chưa tiên liệu được các chất thải của Formosa. Cái cần giám sát nhất là từ luyện cốc, cần có hệ thống kiểm soát đạt các tiêu chuẩn 52 nhưng đang trong giai đoạn thử, do đó chưa cơ quan nào được gọi vào, khi họ nói tôi đã vận hành thì mới vào.
Đây là kẽ hở pháp luật. Ta chưa kiểm soát được, đáng ra phải đáp ứng tiêu chuẩn 52. Hệ thông quan trắc cũng chưa quan trắc được phenol, xyanua do pháp luật còn lỗ hổng, không có giám sát trong quá trình giám sát, thử nghiệm.”  Cách tốt nhất là nước thải từ Formosa nên được giữ lại ở hồ chứa tạm và chỉ được xả ra môi trường khi hội đủ tiêu chuẩn được ghi trong giấy phép qua kết quả phân tích.
  1. Công bố rộng rãi bản thảo giấy phép xả thải mới của Formosa để ghi nhận ý kiến của người dân và chuyên viên khoa học rồi điều chỉnh thích đáng, nếu cần, trước khi chính thức cấp phép cho Formosa.
Mười tám ngày sau bài của ông Nguyễn Minh Quang, có bài của tiến sĩ (TS) Nguyễn Đức Thắng viết từ Hà Nội [7] với một tựa đề khá “giật gân” là “Cần trả lại chân lý khoa học cho Kết luận về nguyên nhân cá chết”. Theo TS Thắng thì cá không chết vì xyanua hay phenol mà thật sự theo ông, cá chết hàng loạt vì thiếu ốc xi (oxygène). Và ông Thắng giải thích sự thiếu oxy là do việc chuyển vận và khắc phục (xử lý) không thành công của 2500 m3 nước thải trong quá trình xúc rửa tẩy gì các hệ thống đường ống kim loại. Theo những thông tin cá nhân (private communication) mà ông Thắng thu thập được từ TS Lê Văn Cát, một thành viên của Đoàn điều tra cá chết của nhà nước, ông đưa ra giải thích sau [7] :
“Trong nước thải này có chứa kation Fe+2  với nồng độ đặc biệt cao, từ 1200 –2000mg/L(4)  (trung bình 1,6kg/m3). Việc xử lý 2500m3 nước thải này không thành công tương đương với đổ ra biển 1,6kg/m3 x 2500m3 = 4000kg = 4 tấn kation Fe+2.
Ngoài ra, Formosa Hà Tĩnh, ngày có ngày không (không đều) đã sử dụng 3 – 4 tấn(4)  sunfat sắt (FeSO4.4H2O, màu trắng) như là chất xúc tác với H2O2  để nâng cao hơn nữa việc xử lý các chất hữu cơ khó bị sinh hủy, tẩy mầu của nước thuộc hệ thống sinh hóa xử lý nước thải của nhà máy luyện cốc, làm cho nước trong hơn. Trung bình 3,5 tấn FeSO4.4H2O sẽ tạo ra khoảng 1 tấn Fe+2. Sự cố mất điện và lỗi của nhà thầu phụ đã đổ ra biển một lượng đại khổng lồ, tổng cộng 1 + 4 = 5 tấn kation Fe+2  tương đương(7)  với 5,36.1028  kation Fe+2  đủ để phân bố, dàn trải từ Vũng Áng, Hà Tĩnh vào gần đến Thừa Thiên – Huế.”
Ông Nguyễn Minh Quang đã có một phản biện khoa học đăng trên trang Ba Sàm ngày 27 tháng 07 [8] trong đó ông Quang nghi ngờ tính cơ sở khoa học về sự hiện diện của cation Fe++ trong nước thải của Formosa. Sau bài này của ông Quang, TS Thắng đã phản biện với một bài viết dài rất công phu [9].
Tác giả bài viết này, tuy cũng là kỹ sư cơ khí nhưng vì không đủ kiến thức chuyên môn về ngành hóa học cũng như ngành độc tố môi trường, xin không dám có tiếng nói trong cuộc tranh luận giữa TS Thắng và ông Quang. Một điều chắc chắn, cá đã chết và chết vì chất độc được xả thải từ nhà máy Formosa Hà Tĩnh.
Câu trả lời chính xác cho câu hỏi “cái gì đã được xả thải và chất độc hóa học nào trong nước xả thải đã làm cho cá chết hàng loạt” chỉ có thể có được khi nào nhà nước Việt Nam “công bố rộng rãi tất cả các tài liệu, hồ sơ, nghiên cứu, phản biện liên quan đến việc khẳng định nguyên nhân cá chết hàng loạt ở miền Trung, kể cả kết quả phân tích mẫu cá chết và nước dùng cho việc truy tìm nguyên nhân” như ông Nguyễn Minh Quang đã đề nghị [6].
_____

0 nhận xét:

Đăng nhận xét