Thứ Hai, 20 tháng 4, 2015

Việt Nam không có cách ứng phó hữu hiệu ở Biển Đông


Trương Nhân Tuấn

17-04-2015

Quan chức Mỹ vừa lên tiếng phê bình : Việt Nam chưa có cách ứng phó hữu hiệu ở Biển Đông.

TQ chiếm trọn quần đảo Hoàng Sa của VN năm 1974, tính đến nay là 41 năm. TQ chiếm 7 bãi đá thuộc Trường Sa của VN năm 1988, đến nay là 27 năm. Còn đường chữ U (chín, mười, hay mười một gạch… chi đó) của TQ, có nơi chỉ cách bờ biển VN khoảng 50km, dành 80% Biển Đông, đã công bố ít nhứt là hơn ½ thế kỷ. Với bấy nhiêu thời gian đó mà VN vẫn không xây dựng nổi một đối sách bảo vệ vùng biển của mình. Lời phê bình của viên chức người Mỹ tố cáo lãnh đạo VN có vấn đề.

Trước hết là tầm nhìn. Lãnh đạo VN trước nay xuất thân từ nông dân, phu đồn điền… đa phần là thất học. Kinh tế mấy mươi năm sau chiến tranh vẫn còn loay hoay với việc nuôi con gì, trồng cây gì. Làm lãnh đạo như vậy là tầm nhìn không xa hơn thửa ruộng. Bây giờ làm kinh tế thị trường. Toàn bộ nhân sự lãnh đạo, theo lời tố cáo của chính họ, tất cả đều hủ bại. Chính họ thú nhận mình là những con sâu.

Thử xem trường hợp người đứng đầu quốc phòng. Ông này có lẽ rành chuyện sân golf hơn chuyện binh thư, nhanh nhẹn trong việc thăng tướng cho sĩ quan hơn chuyện điều binh. Những cuộc diễn binh nhân dịp ăn mừng ngày 30-4, những cuộc thao diễn của không quân, hải quân… cho thấy sự thiếu chuyên nghiệp (và bệ rạc) của quân đội. Khí tài vẫn là những thứ cũ xì của Nga từ thời chiến tranh lạnh. Vụ hai chiếc SU 22 bị rớt ở đảo Phú Quí hôm qua cho phép ta kết luận như vậy. Hải quân, cảnh sát biển cũng tệ hại không kém. Gặp lúc hữu sự ta mới thấy tình trạng thiếu thốn của quân đội VN. Vụ giàn khoan 981 vào tháng 5-2014 cho ta thấy ngôi nhà Việt Nam đã rách nát. Để chống lại với đoàn tàu hải giám của TQ, VN phải hô hào ngư dân làm « cảm tử quân », dùng những chiếc tàu gỗ mong manh của ngư dân để đối chọi với tàu sắt của TQ.

Đến nước chót nhà nước VN phải muối mặt ngữa tay xin viện trợ (kẻ thù cũ) Nhật, Mỹ để họ bố thí cho những chiếc tàu tuần duyên (đồ đã qua sử dụng) cho lực lượng cảnh sát biển.

Thứ Bảy, 4 tháng 4, 2015

Ai ác ghê?

Phạm Tuấn Xa

04-04-2015

Tôi đã đọc bài “Địa chủ ác ghê” của C.B đăng trên báo Nhân Dân số ra ngày 20/7/1953 trong đó kể tội ác của địa chủ Nguyễn Thị Năm cùng với hai con trai là Nguyễn Hanh và Hoàng Công đã giết hại 260 nông dân bằng nhiều hình thức tra tấn dã man. Tác giả kết luận bài báo:

 Viết không hết tội dù chẻ hết tre rừng

 Rửa không sạch dơ dù tát cạn nước bể.

Tôi nghĩ đây không phải là bài báo mà chỉ là bài thống kê với những con số khô khan, vô hồn cùng những lời buộc tội vô căn cứ. Bài báo thiếu vắng những từ để hỏi trong Tiếng Anh theo lý thuyết viết báo: What, where, when, who, why.

Năm 2014 tôi được đọc bài báo “Chuyện về một người phụ nữ bị xử lý oan” đăng trên báo An ninh thế giới vào 2 ngày 12/3/2014 và 15/3/2014. Qua bài báo tâm huyết và truyền cảm của Xuân Ba ta thấy trái với bài của C.B cụ Nguyễn Thị Năm là người phụ nữ có tài kinh doanh, sống nhân hậu và có công với cách mạng. Cụ đã đóng góp cho cách mạng 800 lạng vàng. Hai con trai của cụ đều tham gia quân đội chống Pháp, đều là đảng viên, đều là sỹ quan khi còn rất trẻ. Trụ sở kinh doanh của hãng Cát Hạnh Long ở Đồng Bẩm, Thái Nguyên là nơi tập kết của sư đoàn chuẩn bị cho chiến dịch biên giới năm 1951. Nơi đây cũng là chỗ đi lại của một số cán bộ trung ương như Trường Chinh, Lê Đức Thọ, Lê Văn Lương, Võ Nguyên Giáp, Nguyễn Chí Thanh…