Thứ Hai, 5 tháng 10, 2015

Hồ Chí Minh ,con người muôn mặt



Đôi lời: Chẳng những ông Hồ Chí Minh là con người muôn mặt, mà qua bài viết đăng trên báo Nhân Dân: Bác Hồ ở Boston, thì ông Hồ cũng đã cũng đã từng “ôm chân đế quốc Mỹ”, kiếm “bơ thừa, sữa cặn”, nói theo ngôn ngữ của các “cháu ngoan bác Hồ”. Các cháu này luôn miệng chửi những người VN “ôm chân đế quốc Mỹ” lâu nay, mà không biết rằng bác của chúng cũng đã ôm chân đế quốc Mỹ hơn một thế kỷ trước.


Song Chi

13-9-2015


                                               Hồ Chí Minh. Nguồn ảnh: Thư viện Hoa Sen

Trong cuộc đời hoạt động “cách mạng” của mình, ông Hồ Chí Minh có rất nhiều tên gọi, bút danh khác nhau. Bài “Sưu tầm tên gọi, bí danh và bút danh của Chủ tịch Hồ Chí Minh qua các thời kỳ” đăng trên trang báo điện tử Đảng cộng sản Việt Nam, đã kê khai ông Hồ có khoảng 175 tên gọi, bí danh, bút danh, ngoài ra “Hiện vẫn còn khoảng 30 tên gọi, bí danh, bút danh được cho là của Hồ Chí Minh, nhưng chưa có cơ sở để khẳng định chắc chắn hoặc chứng minh cụ thể Bác đã dùng vào thời gian nào, trong trường hợp nào, nên vẫn chưa thể công bố chính thức”.

Từ lâu, cũng chính nhờ đảng và nhà nước này công bố, mà người dân mới biết Trần Dân Tiên, người viết cuốn tiểu sử “Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch” xuất bản lần đầu tiên tại Trung Hoa năm 1948 và tại Paris năm 1949 (theo Wikipedia) chính là Bác Hồ. Trong một cuốn tiểu sử khác, “Vừa đi đường vừa kể chuyện” xuất bản lần đầu năm 1950, Hồ Chí Minh lấy bút danh là T. Lan, đóng vai một chiến sĩ trong đoàn tùy tùng của Chủ tịch Hồ Chí Minh đi hành quân, vừa đi vừa hỏi chuyện Chủ tịch và ghi chép lại. Như vậy ông Hồ chỉ có 2 cuốn gọi là “tiểu sử” được phổ biến rộng rãi, in ra nhiều thứ tiếng, thì cả hai đều do chính ông Hồ viết ca tụng mình.

Việc ông Hồ từng làm việc cho đảng cộng sản Liên Xô và đảng cộng sản Trung Quốc, nhận tiền của Liên Xô và Trung Quốc là chuyện chả phải mới mẻ gì. Chỉ cần ngay trong bài này cũng thấy.


Chẳng hạn, làm việc cho đảng cộng sản Liên Xô:“Chen Vang, 1923. Ngày 13 tháng 6 năm 1923, Nguyễn Ái Quốc bí mật rời Paris đi Liên Sô, Tổ Quốc Cách Mạng. Ngày 16 tháng 6 năm 1923, Nguyễn Ái Quốc đến nước Đức. Tại đây, Nguyễn được cơ quan đặc mệnh toàn quyền Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghiã Sô Viết Liên Bang tại Berlin cấp cho giấy đi đường số 1829. Trong giấy này Nguyễn Ái Quốc mang tên Chen Vang.”

Làm việc cho Trung Quốc: “Hồ Quang, 1938. Hoạt động ở Trung Quốc cuối năm 1938. Nhờ quan hệ Liên Sô và Trung Quốc nên Nguyễn Ái Quốc qua Trung Quốc dễ dàng. Tại Lan Châu thủ phủ tỉnh Cam Túc, Tây Bắc Trung Quốc, Nguyễn Ái Quốc mang phù hiệu Bát lộ quân, quân hàm thiếu tá và giấy tờ mang tên Hồ Quang.”

Lý Thụy cũng là một bí danh của ông Hồ. “Lý Thụy, 1924. Nguyễn Ái Quốc dùng bí danh Lý Thụy trong thời gian hoạt động ở Trung Quốc.”

Có một dạo trên nhiều trang blog, trang mạng xã hội xôn xao trước thông tin Lý Thụy, tức ông Hồ bán Phan Bội Châu cho Pháp. Và thông tin đó từ đâu ra, từ thế lực thù địch nào? Không, từ cuốn “Thành ngữ-Điển tích-Danh nhân Từ điển” của tác giả Trịnh Vân Thanh do NXB Văn học, Hà Nội phát hành năm 2008.

Ở trang 742, trong mục nói về Phan Bội Châu, các nhà soạn sách đã viết việc Phan Bội Châu bị bắt như sau: “Năm 1925, nghe theo lời của Lý Thụy và Lâm Đức Thụ Phan Bội Châu gia nhập vào tổ chức “Toàn thể giới bị áp bức nhược tiểu dân tộc”, nhưng sau đó Lý Thụy và các đồng chí lập mưu bắt Phan Bội Châu nộp cho thực dân Pháp để:
 Tổ chức lấy được một số tiền thưởng (vào khoảng 15 vạn bạc) hầu có đủ phương tiện hoạt động.
 Gây một ảnh hưởng sâu rộng trong Việc tuyên truyền tinh thần ái quốc trong quốc dân.”

Tất cả những chuyện này nhiều người cũng đã biết. Tôi nhắc lại chỉ là vì gần đây được biết thêm cái bút danh Trần Lực của ông Hồ Chí Minh khi viết cái truyện ngắn “Giấc ngủ mười năm”. Trên trang báo điện tử Đảng cộng sản Việt Nam đăng toàn bộ truyện ngắn này, và cho biết: “Giấc ngủ mười năm” viết năm 1949, Tổng bộ Việt Minh xuất bản tại Việt Bắc năm 1949. In trong sách “Hồ Chí Minh, Truyện và ký” của Nhà xuất bản Văn học, Hà Nội, 1985″.

Trong bài “Cha đẻ của văn học viễn tưởng Việt Nam” đăng trên website Viet-Studies, nhà văn, dịch giả Ngô Tự Lập tìm cách chứng minh ông Hồ Chí Minh là cha đẻ của thể loại văn học viễn tưởng VN qua hai truyện ngắn “Con người biết mùi hun khói” và “Giấc ngủ mười năm”.

Ở đây tôi không tranh cãi về văn phong, bút pháp của truyện “Giấc ngủ mười năm”, cũng không tranh cãi truyện này hay hay dở, nhưng điều làm tôi cảm thấy rờn rợn là những đọan mô tả tội ác của Pháp. Đoạn đó như sau:

“Người ta nói dân ở gần mặt trận ai cũng hăng. Có gì lạ đâu. Tây nó ác quá. Chúng bắt được đàn bà con gái, thì 7 tuổi đến 70 nó chẳng từ ai. Năm bảy thằng tranh nhau hiếp. Hiếp không chết, thì nó chặt đầu, móc mắt, mổ bụng, rạch trôn. Có khi chúng bắt con trai hiếp mẹ, cha hiếp con gái, cho chúng nó coi và cười. Không nghe thì chúng giết cả nhà.

Có khi bắt được đàn bà có thai, chúng nó trói lại như trói lợn, rồi đánh đố với nhau. Thằng thì đoán chửa con trai. Thằng thì đoán chửa con gái. Rồi chúng nó mổ bụng người đàn bà chửa, móc đứa con trong bụng ra coi. Thằng nào đoán trúng thì được tiền hoặc thuốc lá.

Có khi chúng nó bắt đàn bà, trói chân, trói tay lại, lột truồng hết áo quần rồi cho chó con bú cụt cả đầu vú. Người đàn bà vô phúc van khóc chừng nào, thì Tây reo cười chừng ấy.

Bắt được người già và thanh niên, chúng nó chọc tiết, chôn sống, chặt đầu, phanh thây, hoặc treo thòng lòng trên cành cây, chất củi thui. Có khi chúng nó bắt ăn thuốc viên, nói là thuốc chữa bệnh. Nuốt xong chừng mấy phút đồng hồ thì trợn mắt lăn ra chết, cả mình mẩy tím bầm.
Trẻ con thì chúng nó bắt bỏ trong chum, nấu nước sôi giội vào. Hoặc trói 2, 3 em lại một bó, quấn rơm và giẻ chung quanh, rồi chúng nó tưới dầu xăng đốt.”

Tôi cảm thấy rờn rợn, không phải vì tội ác của Pháp (một người có nhận thức, hiểu biết bình thường nào cũng chẳng tin nổi những điều này là có thực) mà chính vì cái cách mô tả, cái khả năng tưởng tượng ra những tội ác kiểu như vậy và việc tuyên truyền bất chấp sự thật của những người cộng sản, như họ cũng đã từng tuyên truyền Mỹ ngụy ăn thịt người.

Cho đến nay, Hồ Chí Minh đối với rất nhiều người dân VN vẫn là thánh sống, là tượng đài không dễ gì bị lật đổ. Không chỉ trong những người còn tin tưởng vào đảng, vào chế độ, ngay nhiều người có tư tưởng chán ghét chế độ này, vẫn luôn luôn nói rằng “Nếu còn ông cụ, mọi chuyện sẽ khác, nếu còn ông cụ đất nước không thể như thế này” và mọi sai lầm, đổ đốn của đảng và nhà nước này là chỉ từ khi ông cụ mất, thậm chí mãi về sau này, chứ còn giai đoạn đầu thì không thế v.v…Nắm được điều đó, đảng và nhà nước cộng sản vẫn tiếp tục bám vào cái bóng của ông Hồ, từ việc phát động phong trào học tập tư tưởng Hồ Chí Minh cho tới những tượng đài Hồ Chí Minh vẫn tiếp tục được xây lên ở khắp nơi…

Rồi đây lịch sử sẽ được viết lại, nhiều sự thật sẽ được đưa ra ánh sáng. Tôi vẫn luôn tin rằng cuộc đời thật, chân dung thật của nhân vật Hồ Chí Minh sẽ còn có nhiều, nhiều “bất ngờ” hơn nữa, ngoài vô số những “bất ngờ” đã hé lộ dần trong thời gian qua, bất chấp việc đảng và nhà nước cộng sản VN cố công bưng bít, tô vẽ thành huyền thoại. Chỉ có điều, cho đến giờ phút này hình như vẫn chưa có người Việt nào chịu khó bỏ công ra viết những cuốn sách công phu như cuốn “Mao Trạch Đông ngàn năm công tội” của tác giả Tân Tử Lăng, Trung Quốc hay cuốn “Những điều chưa biết về Mao” (“Mao-an unknown story”) của hai tác giả Jung Chang và Jon Halliday. Được biết, hai vợ chồng tác giả, cô Jung Chang và ông Jon Halliday đã bỏ ra gần 10 năm trời để viết, đã đi về Trung Quốc hàng mấy chục chuyến để thăm lại tất cả những vùng mà ông Mao Trạch Đông đã đi qua cũng như đã đi nhiểu nơi trên thế giới để gặp hàng trăm người từng biết, từng gặp Mao Trạch Đông khi còn sống hầu có được những tài liệu sinh động nhất, chân thực nhất, và cuối cùng họ đã hoàn tất tác phẩm đồ sộ này.

Tin rằng nếu ai đó bỏ công sức ra để viết về nhân vật Hồ Chí Minh cũng sẽ gặt hái được kết quả rất đáng công và chân dung của nhân vật Hồ Chí Minh có lẽ còn muôn mặt, muôn màu không kém, thậm chí hơn cả chân dung thật của Lenin hay Mao Trạch Đông.

                                                                               S. C

0 nhận xét:

Đăng nhận xét