Thứ Tư, 13 tháng 5, 2015

Nhân dự án sân bay Long Thành -Nhớ lại và phân tích một số chuyện cũ


 Nguyễn Đình Cống

11-05-2015

CHUYỆN MỚI – Dự án sân bay Long thành đã một lần đưa ra Quốc hội thảo luận, chưa thông qua. Vừa rồi hội nghị TW Đảng lần 11 (tháng 5- 2015) có nêu ra, chuẩn bị trình Bộ Chính trị xem xét và sẽ đưa ra Quốc hội biểu quyết. Trong lúc Bộ Giao thông đã đầu tư nhiều công sức thuyết minh dự án thì một số nhà khoa học làm phản biện vạch ra nhiều sai lầm, nhiều tác hại và kiến nghị chưa nên làm. Tôi không phải chuyên gia trong lĩnh vực sân bay nên không dám lạm bàn những vấn đề liên quan đến kỹ thuật và kinh tế, chỉ xin liên hệ một vài chuyện cũ về mặt xã hội.

CHUYỆN CŨ 1: Sân bay Tân Sơn Nhất

Sân bay Long Thành cách Tân Sơn Nhất 40 km. Lý do được nêu ra của dự án là sân bay Tân Sơn Nhất với diện tích trên 800 ha đã trở nên quá chật hẹp mà không thể mở rộng, vì đất dự trữ chỉ còn khoảng 38 ha. Khi Pháp làm sân bay năm 1930 thì diện tích quy hoạch là trên 1500ha, trong đó gần 1000 ha là đất dự trữ. Trước năm 1975 sân bay đã được mở rộng vài lần và diện tích đất trống cũng còn nhiều trăm ha. Thế số đất ấy mọc cánh bay đi đâu mà nay chỉ còn chút xíu. Thì ra sau ngày 30 tháng 4 năm 1975 sân bay do quân đội quản lý, đất chung quanh sân bay đã được Quân đội lấy gần 200 ha làm sân gôn và vài trăm ha khác được chia lô, cấp cho các sĩ quan làm nhà. Việc làm ấy không biết có được sự đồng ý của Bộ Chính trị và Chính phủ, có thông qua Quốc hội hay không. Việc này mang lại lợi ích to lớn cho một số cán bộ quân đội và làm thiệt hại nặng nề cho dân tộc, cho đất nước. Hiện nay người ta hay nói đến “nhóm lợi ich”, phải chăng đây cũng là thuộc loại “lợi ích nhóm”. Thanh tra Đảng, Nhà nước và Quốc hội có ai biết và quan tâm đến việc này không, có biện pháp gì xử phạt những kẻ chỉ vì lợi ích cục bộ nhóm mà làm thiệt hại cho đất nước, có biện pháp gì để ngăn ngừa những việc làm tương tự hay không. Có nhiều ý kiến cho rằng nếu lấy lại được sân gôn và một phần đất đã bị quân đội chiếm dụng thì Tân Sơn Nhất có thể mở rộng đủ đáp ứng nhu cầu trong vài chục năm tới mà chưa cần làm sân bay Long thành tốn trên 13 tỷ USD.


CHUYỆN CŨ 2: Thủy điện Sơn la

Khi thiết kế Thủy điện Sơn la vào năm 1990 có đưa ra 2 phương án để so sánh: đập cao và thấp (đập cao có cao trình đỉnh ở mức 295 m, đập thấp có đỉnh ở mức 230 m). Nhà nước đã tổ chức vài chục cuộc hội thảo với nhiều ngàn chuyên gia trong nhiều lĩnh vực để thảo luận. Kết quả của các hội thảo là: 1- Vạch ra, tổng hợp các ưu điểm, nhược điểm của mỗi phương án. 2- Khi lấy ý kiến nên chọn phương án nào thì hình thành hai phái cao và thấp với lực lượng gần ngang nhau. 3- Các hội thảo không đề nghị chọn phương án nào mà báo cáo để Chính phủ quyết định.
 Sau hội thảo Chính phủ chưa quyết định mà mời Viện Thiết kế thủy điện của Liên xô và của Pháp làm tư vấn. Hai nơi này làm việc độc lập, không cùng thời gian và có lẽ cũng không tham khảo kết luận của các hội thảo trong nước. Kết quả của 3 nơi (Việt nam, Liên xô, Pháp) là gần gần giống nhau, không nơi nào dám quyết định phương án mà dành quyền ấy cho Chính phủ VN. Chính phủ cũng chưa quyết định mà đưa ra để Quốc hội biểu quyết. Kết quả đa số đại biểu chọn phương án cao. Việc đó gây nên cú sốc lớn trong phái thấp. Những người có vai trò quan trọng trong phái này chia nhau đi giải thích cho các quan chức cấp cao trong Đảng, Chính phủ và Quốc hội sự nguy hiểm và sai lầm của phương án cao mà trong thời gian vừa qua mọi người ít quan tâm. Đó là việc làm đập cao, hồ lớn, có khả năng chứa được nhiều nước, phát được nhiều điện nhưng ngoài việc chi phí khá tốn kém cho việc xây dựng và di dân thì nguy cơ không có nước để chứa đầy hồ là hiện thực, về lâu dài nước mưa chỉ có thể chứa được khoảng hơn nửa hồ mà thôi. Thế thì làm đập cao, làm hồ lớn mà làm gì. Nếu cứ theo số liệu thủy văn đo ở Sơn la trong mấy chục năm vừa qua thì nước sông Đà khi chảy đến Sơn la là thừa sức chứa đầy hồ lớn. Thực tế sông Đà phát nguồn từ Vân nam Trung quốc (họ gọi là Lý tiên giang). Mấy lâu nay nước sông Đà chảy về Sơn la thì phần lớn là nước từ Trung quốc, chỉ có một phần được hứng từ lưu vực Việt. Khả năng Trung quốc sẽ xây đập chặn đầu nguồn sông Đà để lấy nước cho nông nghiệp là hiện thực, lúc ấy Sơn la làm đập cao, hồ lớn sẽ không có đủ nước chứa đầy hồ. Nếu muốn có nhiều điện thì nên làm thêm một nhà náy nữa ở phía thượng lưu theo kiểu khai thác bậc thang.

Thế là lại vận động hành lang, lại kiến nghị gửi khắp nơi kêu gọi loại bỏ phương án cao mặc dầu Quốc hội đã biểu quyết. Quốc hội đã họp lại, bỏ phiếu lại và chọn phương án thấp. Cuối cùng Thủy điện Sơn la xây dựng theo phương án thấp.

CHUYỆN CŨ 3- Thủy điện Hòa bình

Khi thiết kế Thủy điện Hòa bình vào năm 1972 có đưa ra 2 phương án: nhà máy hở và ngầm. Nhà máy hở (lộ thiên) được làm ngay phía sau đập hoặc ở chân núi. Nhà máy ngầm được làm bên trong lòng núi đá, phải đào hầm vào núi và làm nhà máy trong đó. Nhà máy hở dễ làm, ít tốn kém hơn nhà máy ngầm, ưu điểm cơ bản của nhà máy ngầm là có khả năng bảo vệ hơn trong chiến tranh. Hội thảo của các chuyên gia thống nhất đề nghị làm nhà máy hở nhưng rồi ông Đỗ Mười, hồi đó là phó thủ tướng, UV Bộ Chính trị tỏ ý muốn làm nhà máy ngầm. Sau khi biết được ý kiến của ông Đỗ Mười thì nhiều chuyên gia trước đây là chủ chốt trong phương án hở nay chuyển sang ủng hộ phương án ngầm, số này bị nhiều đồng nghiệp cho là cơ hội, bị khinh bỉ nhưng lại được lãnh đạo cất nhắc. Kết quả là làm ngầm, phải kéo dài thời gian và tốn kếm gần gấp đôi so với nhà máy hở. Thời gian này chưa nghe nói đến việc đưa ra hỏi ý kiến Quốc hội. Trong các chuyên gia đầu ngành thì GS Trần Đại Nghĩa (Chủ nhiệm UB Khoa học, đồng thời là Chủ nhiệm UB Xây dựng nhà nước) có một phát biểu trong một hội thảo, đại ý như sau: “Tôi hoàn toàn ủng hộ phương án hở. Tôi xin nói những ai chủ trương phương án ngầm là có tội với dân tộc vì tạo ra sự lãng phí lớn, nhà máy của Thủy điện Hòa bình không cần thiết phải làm ngầm”. Nhà máy đã phát điện trên 30 năm và chuyện làm ngầm hay hở đã bị quên lãng từ lâu, nhiều chuyên gia, kể cả người được xem là chính trực hoặc cơ hội đã sang thế giới khác.

CHUYỆN CŨ 4: Đường sắt cao tốc Bắc-Nam

Đường sắt với tàu chạy trên đệm từ, có tốc độ trên 300 km/giờ, kinh phí khoảng 50 tỷ USD. Dự án đã được nhiều chuyên gia quan tâm, viết phản biện, vạch ra nhiều sai sót trong luận cứ và luận chứng, không đồng tình. Dự án đã được trình Bộ Chính trị xem xét, đã được Quốc hội thảo luận và Quốc hội đã biểu quyết với đa số phiếu bác bỏ. Dự án tạm gác lại. Dư luận cho rằng Quốc hội đã làm được một việc có ý nghĩa, nhiều đại biểu tỏ ra đã có suy nghĩ chứ không còn là một cổ máy bỏ phiếu theo ý của người khác.

VÀI LỜI PHÂN TÍCH

Qua một số chuyện trên đây và nhiều chuyện đã xẩy ra trong thực tế tôi tạm phân tích 3 vấn đề: Lợi và hại của dự án, động cơ thật và dự án là mục tiêu hay biện pháp, trách nhiệm người biểu quyết.

Vấn đề 1: Lợi và hại của dự án

Khi lập dự án hoặc dự định làm một việc gì người ta thường vạch ra những điều lợi có thể mang lại, ngoài ra còn phải tìm các nhược điểm, các tác hại có thể gặp, các điều kiện để thực hiện. Về lợi Khổng Tử có dạy “ kiến lợi tư nghĩa”, khi thấy việc lợi thì phải nghĩ đến điều nghĩa, nếu vì lợi mà phạm vào lễ nghĩa thì kiên quyết không làm. Các cụ xưa cũng dặn, làm việc gì chớ phạm vào “lợi bất cập hại”. Ba tư cổ có châm ngôn được cho là quý giá nhất: “Định làm việc gì, ngoài cái lợi ra phải tìm cho bằng hết những điều hại có thể gặp”.

Xem xét những người lập dự án tôi thấy có 2 loại: nghiêm chỉnh và thiếu nghiêm chỉnh. Loại nghiêm chỉnh vừa có trình độ và trách nhiệm, theo được các quy tắc và lời dạy nêu ở trên, họ làm việc tận tụy, công minh, trung thực. Loại thiếu nghiêm chỉnh, vì một vài lý do nào đó mà thiếu một trong hai (trình độ và trách nhiệm) hoặc thiếu cả hai. Loại thiếu nghiêm chỉnh thường đề quá cao cái lợi, thậm chí còn bịa ra, tưởng tượng ra những cái lợi không thể có để tự huyễn hoặc, để tuyên truyền và thuyết phục người khác, họ cũng nêu ra vài cái hại nhưng chủ yếu làm cho có hình thức còn thực chất là không đầy đủ vì bị cái lợi làm mờ mắt mà không thấy hết hoặc có thấy nhưng tìm cách che dấu. Vì thế mỗi dự án lớn cần rất nhiều người phản biện.

Khi được tin Quốc hội bỏ phiếu cho phương án cao của Thủy điện Sơn la tôi đoán rằng các đại biểu đã được nghe nhiều về cái lợi của nó mà chưa biết đầy đủ về những cái hại. Khi tuyên truyền trên thông tin đại chúng về đường sắt cao tốc cũng chỉ nói nhiều về lợi mà hầu như không ai kể ra cái hại. Bây giờ là dự án Long thành, cái lợi đã được Bộ Giao thông vạch ra nhiều rồi, các chuyên gia phản biện đã vạch ra gần hết các cái hại rồi , không biết các vị lãnh đạo và đại biểu Quốc hội đã tham khảo đầy đủ chưa.

Vấn đề 2- Động cơ thật và dự án là mục tiêu hay biện pháp

Khi làm hoặc dự định làm việc gì, trong đó có các dự án, người ta thường hay nói ra cho mọi người biết động cơ thúc đẩy mình làm (làm vì cái gì), đó là động cơ công khai. Lại có động cơ ẩn dấu, bí mật. Với người trung thực, nghiêm chỉnh hai động cơ trùng nhau hoặc chỉ có một động cơ mà thôi. Với người (tự cho là) khôn ngoan thì động cơ nói ra bao giờ cũng tốt đẹp, cũng vì dân vì nước, vì quyền lợi chung, động cơ ẩn dấu thường là vì quyền lợi cá nhân, quyền lợi nhóm và chỉ có họ hoặc người trong nhóm biết, họ dấu kín với người ngoài, kể cả cấp trên và chính động cơ ẩn dấu mới là động cơ chính, động cơ thật, còn động cơ nói ra chỉ là để ngụy trang. Người ngoài, để biết được động cơ ẩn dấu của người khác chỉ có thể đoán dựa trên một số việc sơ hở của họ.

Với người trung thực thì làm dự án là mục tiêu của họ, với “kẻ khôn ngoan” thì dự án là biện pháp để họ thực hiện mục tiêu kiếm lợi cho cá nhân. Tôi đã biết hàng chục dự án như vậy, cá nhân thì được lợi còn nhà nước, nhân dân thì bị thiệt, dự án thay 6700 cây ở Hà nội vừa qua có lẽ cũng thuộc loại này.

Khi Quốc hội bác bỏ dự án đường sắt cao tốc chắc là một số đại biểu đã đoán ra động cơ ẩn dấu của chủ đầu tư, còn với dự án Long thành, liệu có ai đoán ra là có hay không có động cơ ẩn dấu.

Vấn đề 3- Trách nhiệm người biểu quyết

Để biểu quyết hoặc đánh giá một công việc, một tác phẩm, một dự án … phải cần người có trình độ, có trách nhiệm. Có người còn đề nghị thêm một số tính chất khác như công bằng, không thiên vị…, tôi cho rằng những thứ đó đã bao gồm trong trách nhiệm. Thiếu một hoặc cả hai phẩm chất trên mà vẫn nhận làm người đánh giá hoặc biểu quyết thì đó là loại thiếu tự trọng, gian dối, dễ bị vướng vào việc phạm tội. Khi tự xét thấy mình chưa đủ trình độ để biểu quyết mà bị bắt buộc phải bày tỏ ý kiến thì tốt nhất là bỏ phiếu trắng, còn nếu vì sĩ diện hoặc lý do nào khác mà phải biểu quyết theo ý của người khác thì thật đáng xấu hổ.

Về việc tương tự, Tú Xương làm bài thơ Ông Cử Nhu như sau: Sơ khảo khoa này bác Cử Nhu. Thực là vừa dốt lại vừa ngu. Văn chương nào phải là đơn thuốc. Chớ có khuyên xằng chết bỏ bu (bác Nhu là con nhà làm nghề cắt thuốc bắc, được mời làm sơ khảo kỳ thi năm 1900 tại Nam định ).

Không biết khi đại biểu Quốc hội biểu quyết làm đập Sơn la theo phương án cao có vi phạm gì vào điều trên hay không và sau đó biết là sai thì có ân hận gì không. Bây giờ sắp biểu quyết phương án sân bay Long thành, hy vọng rằng các đại biểu đủ sáng suốt và dũng cảm khi bấm nút bỏ phiếu.
info



                                                                        Nguyễn Đình Cống

0 nhận xét:

Đăng nhận xét