Thứ Bảy, 11 tháng 10, 2014

Bàn về nhận định của một ông nhà văn Nga về Chính phủ



11-10-2014


Nguyễn Trần Sâm


 


 


Quê Choa của Bọ Lập hôm 8 tháng 10 có đăng lại bài “Hoang tàn làng văn hóa 3.200 tỉ đồng” của Kiều Linh từ báo Tuổi Trẻ, kèm theo lời bình của chính Bọ. Trong lời bình này, Bọ viết:

  “Uống rượu với một nhà văn Nga, ông nói: “Tụi bay đang chửi oan chính phủ tụi bay  đấy. Thời còn Liên Xô tụi tao cũng chửi chính phủ tụi tao như hát hay. Bây giờ nghĩ lại thấy mình chửi oan cho họ. Không một chính phủ nào có thể làm được việc trên một đất nước người người ăn cắp nhà nhà phá hoại.

Ta hãy thử xem nhận định của ông nhà văn Nga này đúng đến đâu.

Trước hết, tôi xin khẳng định rằng nhận định này có phần đúng. Cái phần đó liên quan đến nhận định rằng Liên Xô trước khi sụp đổ và Việt Nam hiện nay là “đất nước người người ăn cắp nhà nhà phá hoại.” Xin chỉnh lại cho chính xác hơn mà hầu hết những người có điều kiện ăn cắp đều ăn cắp, và hầu hết những người được giao nhiệm vụ xây dựng một cái gì đó thì đều hành động như những kẻ phá hoại.

Đúng là hiện trạng xã hội đã đến mức mà những điều tồi tệ được gây ra cả từ phía những người dân, thậm chí từ một số rất đông đảo. Ở VN hiện nay, ngay cả những cải cách thực sự tốt có lẽ cũng khó mà thực hiện nổi, và người chống đối trong một số trường hợp chính là đông đảo quần chúng. Sự thất bại của việc chống tiêu cực trong thi cử là một ví dụ. (Tuy nhiên, tôi không có ý nói rằng các quan chức của bộ GD-ĐT chống thật lòng!)

Tôi sẽ không đi chứng minh rằng phần này trong nhận định của ông nhà văn Nga là đúng, vì đây không phải điều chính mà tôi muốn nói ở đây. Vị nào không tán thành thì xin cứ coi rằng điều vừa nêu là sai. Điều tôi quan tâm là trả lời 2 câu hỏi sau, để từ đó xem xét lại phần đầu trong nhận định của ông người Nga (và cũng là của một số vị trí thức nước ta).

Một: Có phải chính phủ LX trước đây và chính phủ VN hiện nay đã sinh ra trên hai đất nước mà ngay từ đầu đã “người người ăn cắp nhà nhà phá hoại” hay không?

Hai: Trên một đất nước như vậy, liệu có phải chính phủ vẫn không ăn cắp và phá hoại hay không?

Tôi sinh ra từ giữa thế kỷ XX. Tôi nhớ về thời thơ ấu của mình không đến nỗi tồi, và qua những cuộc chuyện trò với những người thuộc các thế hệ trước nữa, tôi có thể khẳng định rằng dân Việt ta thời đó ngây thơ và trong trắng lắm. Thật thà lắm. Và đa số ghét những trò gian manh. Tất nhiên, một vài thói hư và hủ tục cũng đã từng có (rất giống những chuyện trong Việc Làng của nhà văn hiện thực Ngô Tất Tố).

Tôi và những người cùng thế hệ cũng như những người cao niên còn sống có thể nói chắc chắn rằng những thói đê mạt phổ biến trong xã hội bây giờ chủ yếu hình thành và được nhân rộng bởi những “công cuộc”, “phong trào” và “chiến dịch” sau đây:

Phong trào Rèn Cán Chỉnh Quân phát động năm 1949 và Chỉnh Huấn năm 1950, trong đó mọi cán bộ, chiến sỹ  phải tự đấu tố mình, đặc biệt là không được tỏ ra quyến luyến với tình cảm gia đình “ủy mị”. Phải “đoạn tuyệt với quá khứ và tự nguyện sống theo nguyên tắc cộng sản, hay cũng theo ngôn ngữ cộng sản, là lột xác để trở thành con người cộng sản. Những văn nhân, thi sĩ, nhạc sĩ, họa sĩ như Nguyễn Tuân, Xuân Diệu, Thế Lữ, Tô Ngọc Vân, Nguyễn Xuân Khoát,…
đã tự phỉ báng mình, và nguyện theo cộng sản suốt đời.”

Công cuộc Cải Cách Ruộng Đất (1953 – 1956), trong đó các thành viên đội CCRĐ phải tìm và “quy” cho đủ 5% dân chúng thành “địa chủ cường hào gian ác” để xử tội (kể cả tội chết), những người có người thân bị quy địa chủ phải đấu tố người thân, kể cả đấu tố, làm nhục cha mẹ.

Chiến dịch chống Nhân Văn Giai Phẩm 1958, trong đó những người khởi xướng phong trào Nhân Văn Giai Phẩm, đòi tự do sáng tác, bị truy bức tư tưởng, bị cấm sáng tác, và trong nhiều trường hợp bị hành hạ cả về thể xác.

Công cuộc hợp tác hóa nông nghiệp bắt đầu từ 1958, bắt tất cả nông dân phải vào hợp tác xã, dẫn đến cảnh “cha chung không ai khóc”, làm sản xuất đình đốn. Tương tự, hình thức “sở hữu toàn dân” và sự tồn tại của các doanh nghiệp nhà nước cũng dẫn đến tình trạng làm ăn điêu đứng, dẫn đến suy thoái nghiêm trọng. Công việc chung không ai muốn bỏ sức mình ra làm tích cực, người tích cực cũng không được nhận thành quả lao động xứng đáng. Kết quả là mọi người đều lười nhác, trở thành những kẻ ăn cắp, ít nhất là ăn cắp thời gian lao động. Nạn phá ngầm tài sản công cộng để tận dụng những loại nguyên vật liệu cũng trở thành phổ biến.

Những phong trào họp hành, học tập đủ thứ lăng nhăng theo cách giả tạo và trơ trẽn, nhưng nói cứ như có tác dụng rất tốt cho tư tưởng con người cũng như quốc kế dân sinh. Những phong trào như vậy hủy hoại đạo đức, tàn phá lương tri và buộc con người sống giả dối.

Ở LX trước đây (và Trung Quốc, Triều Tiên) cũng vậy, tuy các hiện tượng có khác so với ở VN về mức độ, nhưng rất giống nhau về bản chất. Thời kỳ đình đốn kéo dài qua các triều đại Brezhnev, Andropov, Chernenko, dẫn đến sự sụp đổ của LX có nguồn gốc từ bản chất của chế độ xã hội.

Nếu quý vị vẫn chưa tin thì xin hãy nhìn vào Nam và Bắc Hàn (tức Đại Hàn Dân Quốc và CHDCND Triều Tiên). Hai quốc gia này vốn tách ra từ cùng một bán đảo Cao Ly, trên đó chỉ có một dân tộc sinh sống. Do hai chế độ khác nhau mà nay phía Nam có nền kinh tế rất phát triển, xã hội văn minh, con người sống đàng hoàng, tự do, thoải mái, trong khi ở “thiên đường CS” phía Bắc người dân phải ăn cỏ, rễ cây để khỏi chết đói, và ngày ngày phải tung hô “lãnh tụ” mà thực chất là lưu manh. Vậy có phải Bắc Hàn là nơi mà ngay từ đầu đã có cảnh “người người ăn cắp, nhà nhà phá hoại”, còn Nam Hàn thì không hay không?

Với những điều vừa nêu trên, xin quý vị (cùng với ông nhà văn Nga) hãy tự trả lời câu hỏi thứ nhất.

Để trả lời câu hỏi thứ hai, chỉ cần mời quý vị ra ngoài đường. Hãy xem những con đường “cao tốc” vừa làm đã nứt. Hãy nhìn những đập thủy điện chưa vận hành đã bể. Tất nhiên, trong những kẻ ăn cắp và phá phách có cả những người dân. Nhưng kẻ nào mới là thủ phạm chính làm cho những công trình chưa làm đã hỏng? Và nếu có những người dân ăn cắp hay phá phách thì kẻ nào đẩy họ đến chỗ phải làm những việc như vậy?

Đối với tôi, cụm từ “chửi oan chính phủ” cho thấy ông nhà văn Nga kia và những nhân vật giống ông ta là những kẻ đã bán mình cho quỷ.



                                                  N .T .S

0 nhận xét:

Đăng nhận xét