Thứ Bảy, 14 tháng 9, 2013

Trở về với những gì còn " Minh triết"


Minh Anh 

   2013

Người viết bài này may mắn có mấy năm được học đại học, ngành kinh tế, tại Liên xô (cũ) từ những năm 60 thế kỷ trước, sau khi về nước, chưa từng (được) bén mảng tới ngưỡng cửa các “học viện”, như vậy, về mặt lý luận (chính trị) cứ tự coi chỉ ở mức võ vẽ “ABC”, bàn về “ minh triết”, một vấn đề lớn về triết học và tư tưởng, ngoài tầm với của người viết, qủa là “uống thuốc liều”!.



Nay lại được thu hút vào “đợt sinh hoạt chính trị trọng đại của cả nước”, được làm nghĩa vụ công dân, được kêu gọi tham gia bàn về sửa đổi hiến pháp 1992,“ không có vùng cấm”…. Tưởng thật nên hào hứng nghiên cứu, thảo luận… và thấy rằng Kiến nghị do 72 trí thức soạn thảo (Kiến nghị 72) hợp với lòng mình nên đã hưởng ứng ký tham gia, rồi theo dõi mọi bình luận, mọi kiến nghị của các giới khác, chủ yếu qua thông tin “lề trái”, bởi lẽ, đâu có được đăng tải ở “lề phải”, có kiến nghị đã nêu ra từ cách đây cả hơn 20 năm, như của nhà toán học Phan Đình Diệu, mà tâm đắc hợp với lòng mình, hợp với “Độc lập – Tự do”, hợp với “Thống nhất – Hòa hợp”, hợp với “Tổ quốc trên hết”…






Rồi ngược lại, là những  ý kiến “chụp mũ”, “bất nhất” đâu đó nói ra từ vài người  tự coi mình là các nhà chính trị “có tầm cỡ”, nhưng chắc chưa ngày nào được học làm chính khách, rằng những ai dám bàn tới “những vùng cấm” là bọn “suy thoái”, rồi phụ họa theo sau  là những ý kiến trù dập, “đòn hội đồng”, theo chỉ đạọ thống nhất từ đâu đó, với hàng ngàn “dư luận viên” đủ các loại bằng cấp, được trả công,  “nói lấy được”, đăng tải trên hệ thống thông tin “lề phải”, đôi khi, để tâng công, “bảo hoàng còn hơn vua”, rồi còn  len lỏi vào cả các mạng, kiểu “con ngưạ thành Droa” trong chuyện cổ Hy lạp, để quậy phá từ trong ra, “lập lờ đánh lận con đen”, “nửa đen, nửa trắng”, bí quá thì…hacker, đánh xập cho khỏi truy cặp nữa…, chỉ vì Kiến nghị 72 và nhiều ý kiến góp ý khác đã dám bàn tới “những điều cấm kỵ”, đã “phạm húy” …Hóa ra đâu phải “ không có vùng cấm” như phát động  thủa ban đầu mà nhiều người ngây thơ như người viết đây đã hiểu!



Người viết đành tự an ủi, âu cũng là dịp mình được học hỏi, biết thêm được nhiều điều thế nào là hiến pháp, thế nào là quyền phúc quyết của người dân, thế nào là tam quyền và tam quyền phân lập, thế nào là vi hiến…; được ngẫm tới vài điều minh triết hợp với lòng mình, với hy vọng may còn dịp được thực sự làm nghĩa vụ công dân, được thực thi cái quyền hiến định của mình trong cuộc đời này!



Người viết thiển nghĩ, một cách ABC, như thế này (với những tiêu đề chỉ mang tính ước lệ để dễ bề chia sẻ):



Minh triểt



Trước tiên hãy bàn chung về “minh triết”. Nhiều học giả đã dẫn dụ nhiều rồi, nhiều định nghĩa đã được dẫn giải, xin khỏi nêu lại ở đây. Người viết nôm na hiểu đó là những lời nói, những tư tưởng, những học thuyết… của các bậc hiền triết, các học giả, lãnh tụ của các phong trào…đã được nêu ra, đã được chiêm nghiệm trong thực tế và được thấy là luôn luôn (hay còn) đúng với hiện tại…Những minh triết đó cho dù biểu cảm, về mặt hình thức, có thể khác nhau, nhưng nội dung cốt lõi, nhiều khi lại giống nhau, bởi  lẽ như người đời thường nói “các tư tưởng vĩ đại thường gặp nhau tại một điểm”.



Chủ nghĩa hay Học thuyết?



Nếu đưa “Mác-Lê” lên tầm một chủ nghĩa, chẳng khác nào một thứ tôn giáo mà ai theo nó cũng phải tôn thờ, như đạo Phật tin rằng sẽ có Niết bàn, ai tu đắc đạo sẽ được lên, còn không sẽ phải qua 9 tầng địa ngục, như bên Công giáo tin rằng có Thiên đường, các con chiên ngoan đạo sẽ được về với Chúa, vì vậy mà các đệ tử, con chiên phải sống cho tốt để hòng được lên cõi niết bàn hay thiên đường…



Còn theo “Mác-Lê”, thiên đàng sẽ đươc xây ngay ở dưới hạ giới này, thế giới sẽ “đại đồng”, sản xuất của xã hội sẽ dư thừa tới mức mọi người “làm theo năng lực, hưởng theo nhu cầu”, muốn được như vậy phải lấy công- nông, lực lượng sản xuất ra của cải vật chất, làm gốc (sau này có thêm trí thức được “liên minh” đứng kế bên), phải đấu tranh giai cấp, phải chuyên chính vô sản (chính quyền nở trên nòng súng), phải thường xuyên phê bình và tự phê bình…và, như vậy thì, thực hay cho tiếng Việt, để “Quyết phen này sống chết mà thôi”, để “Bao nhiêu lợi quyền ắt qua tay mình”[1], …, thì phải một bên cầm… “mác”, bên khác cầm… “lê”, phải đấu tranh, đấu tranh…  thay cho trong đạo Phật phải xám hối, theo Công giáo thì  phải thường xuyên rửa tội , hay các hình phạt răn đe nghiêm khắc của đạo Hồi…con người mới có thể tốt lên được, mới đắc đạo được!



Tiếp thu “mù quáng” hay “có chọn lọc”?



Nhiều người cực đoan muốn phủ nhận “sạch trơn” cả Mác lẫn Lê vì họ cho  rằng đấy là một thứ chủ nghĩa không tưởng, nó đã thắng ở cái “mắt xích yếu nhất” trong hệ thống tư bản chủ nghĩa như ở  nước Nga sa hoàng (1917), mới thoát thai từ chế độ nông nô, hồi đầu thế kỷ 20, như ở một số nước ở Đông Âu và Châu Á, trong đó có Việt nam ta, khi chớp được thời cơ trong Thế chiến thứ hai 1945…để hình thành ra cả một “phe”, cả một “hệ thống”…  Để rồi 70 năm sau, cái hệ thống XHCN  được xây dựng và phát triển chính trên cái nền tảng của chủ nghĩa Mác-Lê đó, đã xụp đổ, như các con bài Đô-mi-nô, vào những năm cuối 1990, chớ trêu thay, lần này lại ở ngay tại cái “mắt xích mạnh nhất”của cả hệ thống vào thời gian đó, tại chính  Liên bang Xô viết và các nước Đông Âu khác…



Ai đã từng đọc các tài liệu tổng kết về sự kiện này đều thấy rõ nguyên nhân chủ yếu, cứ theo  ông Mác (1818-1883), là do ở đó có những mâu thuẫn tiềm ẩn ngay trong nội tại, ngay trong chế độ đó, trong thể chế  đó…, đã không được giải quyết, dẫn đến khủng hoảng “di căn” ra cả hệ thống (Structural Crisis), cho dù có hay không khủng hoảng kinh tế như hiện nay, mà “thế lực thù địch”, nếu có, chỉ là một tác nhân tạo ra “cú hích” từ bên ngoài hòng  đẩy nhanh quá trình dẫn tới …xụp đổ[2]… đến mức làm cho các “thế lực thù địch” phải ngạc nhiên và  những người có “thiện cảm”, những “tín đồ ngoan đạo”… phải đau xót ngỡ ngàng sao mà xụp đổ lại nhanh như vậy, gon nhẹ và “hòa bình” như vậy…!



Những Minh triết trong Mác-Lê



Nếu coi Mác-Lê chỉ ở tầm như mọi học thuyết với những định lý, định đề…trong chính trị, cũng như trong kinh tế và các ngành khoa học khác, thì ta thấy  trong đó có những cái đúng ở thời kỳ này ( ở thế kỷ 18,19, khi động cơ hơi nước mới ra đời, chủ nghĩa tư bản mới ở thời kỳ mông muội…) nhưng lại không hợp với thời ký khác (ở thế kỷ 20,21, khi con người đã bay vào vũ trụ, khi đã có internet, thế giới đã vào hội nhập …), điều đó cũng dễ hiểu, Duy vật lịch sử và Duy vật biện chứng mà! Dù sao, như mọi học thuyết khác, xin chớ định kiến, xin hãy tĩnh tâm “gạn đục, khơi trong”, ta vẫn còn tìm ra được trong Mác-Lê có những thứ vẫn còn là “minh triết”, và, xin chớ có phũ phàng mà phủ nhận sạch trơn và ai đó cũng rất nên tự ngẫm xem mình đã làm đúng như cả hai thày Mác và Lê đã dạy chưa(?).



Duy vật lịch sử, Duy vật biện chứng



Không minh triết sao được khi học thuyết Mác-Lê dựa vào vũ khí sắc bén của mình là “Duy vật Lịch sử” và “Duy vật biện chứng” để đánh giá khách quan (và khoa học) các sự kiện, các tiến trình, các diễn biến cho tới cả… sự phát triển của xã hội loài người, và cũng nhờ nó mà đề ra các chủ trương, chính sách, các biện pháp tới các …sách lược, chiến lược…hợp với tình thế, chớp lấy thời cơ để làm chủ tình thế, để làm cách mạng, để cải tạo xã hội….



Không hiểu hai chí sĩ họ Phan[3] của ta có nghiên cứu cái lý luận phức tạp này hay không mà ở thời ấy đã “Việt hóa”  với sự diễn giải đơn giản chỉ vẻn trong vài câu “… Thời thế thế, thế thì phải thế…” để cho người đời dù có “thiểu năng trí tuệ” cũng phải nhớ rằng: Khi “Thời” đã thay thì “Thế” cũng phải đổi, mới hiểu thâm ý xâu sắc của một chính khách thời thế chiến thứ II đã nói   “ Không có kẻ thù vĩnh viễn, không có đồng minh vĩnh viễn, chỉ có lợi ích quốc gia mới là vĩnh viến”[4], chớ có “phàm  cứ bè, ắt là bạn”, chớ như con ngựa nhà đòn (đám ma hồi xưa, người viết) bị bịt hướng nhìn sang hai bên, chỉ biết có đi theo sự giật dây (cương) của người xà ích, khư khư cố hữu như một viên thư lại mẫn cán (chắc gì đã được học đến đầu, đến đũa) cứ cố bám lấy những điều không còn hợp với cả “thế” và “thời”  mà người đời thường gọi là “giáo điều”, “bảo thủ”… “ lú lẫn”… để rồi sẽ phải chịu một hệ lụy chung chằng khác nào như “Đười ươi giữ ống”, bởi vì lý luận và thực tế luôn có một khoảng cách, bởi “cây đời mãi mãi  xanh tươi ” !



Đến như Đalai Lama (thứ 14 hiện nay), rất lịch sử và biện chứng, cũng phải nói: “ Khi trong tay anh nắm chặt một vật  gì mà không buông xuống, thì anh chỉ có mỗi thứ ấy, nếu anh chịu buông xuống, thì anh mới có cơ hội chọn lựa những thứ khác. Nếu một người luôn khư khư với quan niệm của mình, không chịu buông  xuống thì trí tuệ chỉ có thể đạt đến ở một mức độ nào đó mà thôi.”



Mâu thuẫn và Thời cơ



Trong học thuyết của Mác, khi bàn về mâu thuẫn, nếu người viết nhớ không nhầm, thì giải quyết mâu thuẫn nội tại là quyết định cơ bản cho sự vật phát triển. Và, khi những mâu thuẫn nội tại đó không được giải quyết kịp thời và thỏa đáng, đương nhiên, sớm hay muộn, cũng dẫn đến xụp đổ, đó là điều tất yếu. Khi trao đổi về những cập mâu thuẫn hiện nay, người ta thường khóet xâu vào mâu thuẫn giữa bên trong và bên ngoài để đổ tội cho việc xụp đổ là do sự phá hoại từ ngoài cấu kết với các “phần tử chống đối” (bất biết vì lý do gì!) từ bên trong, tất cả bỏ chung vào cùng một rọ “các thế lực thù địch”, cứ nói “thẳng tưng” thế cho gọn!



Một cơ thể khỏe mạnh thì dễ gì các vi khuẩn, vi trùng có thể thâm nhập để gây được bệnh. Chỉ ai yếu bóng vía mới sợ ma!



Trong cuốn “ Sự phản bội của Goóc-ba-chốp” do Viện nghiên cứu của Bộ Công an biên soạn và bán công khai trên các quầy sách, có phân tích các trường hợp xụp đổ của Ba lan, Tiệp Khắc, Liên xô, CHDC Đức, trong đó ít nhiều có đề cập, dù chưa hệ thống, tới những mâu thuẫn dẫn đến xụp đổ  nhanh chóng của các nước này, đề cập đến việc các mâu thuẫn nội tại ở đó không được giải quyết thỏa đáng để rồi chỉ cần một cú hích nhẹ từ bên ngoài, nếu có, là dẫn đến xụp đổ.



Ở những nơi đó cũng có tình trạng  mất dân chủ kéo dài, cũng đường lối xây dựng chủ nghĩa xã hội duy ý trí với những quy hoạch và kế hoạch phát triển không hiệu quả, tốn tiền của dân, cũng những vụ tham ô của các nhân vật có tầm cỡ…Nguy hại hơn, như trường hợp CHDC Đức, do vị trí tiền đồn, phải đối đầu trực diện với thế giới tư bản lúc đó, lực lượng an ninh được trang bị tới tận răng, được chăm sóc về vật chất và tinh thần hơn hẳn bất cứ nơi nào trong các nước XHCN thời đó, ấy thế mà lực lượng này đã bị vô hiệu hóa ngay từ đầu bởi lẽ (như người viết hiểu) có những vụ việc nội bộ mà họ biết và đã báo cáo lên trên, nhưng trên, vì những lợi ích riêng nào đó, đã làm ngơ và thậm chí còn tìm cách quật lại…do vậy thì, hoặc là,  “tốt nhất”, thì  “mũ ni che tai”, ngồi im không báo cáo nữa…, còn không, thì “buông trôi”, đành “thuyền theo lái” vậy, tội gì mà chẳng “Same. Same”  (cũng “rứa”, người viết) !



Mác quá đúng, quá minh triết, khi nói về các cập mâu thuẫn và đưa đến kết luận: giải quyết mâu thuẫn nội tại giúp cho sự vật phát triển.



Ai đã học ở Liên xô cũ, nhất là đối với các ngành khoa học xã hội, dù học trực tiếp bằng tiếng Nga hay qua phiên dịch[5] chắc còn nhớ lý luận của Lê nin về thời cơ cách mạng để xem lại thời cơ xụp đổ sau này của các nước này. Không hiểu sao cụ Nguyễn Trãi (1380-1442) ở nước ta từ thế kỷ 15 với câu “Ngừơi chèo thuyền cũng là dân, người lật thuyền cũng là dân”, rồi sau đó thời Lê Quý Đôn (1726-1784), người ta đã khái quát các triệu chứng suy tàn, bại vong dẫn đến nguy cơ bất ổn, thậm chí mất nước, đó là:[6]

Khi vua chúa ăn chơi sa đọa;

Khi quan lại nhũng nhiễu tham lam;

Khi con cái cãi lại cha mẹ, ông bà;

Khi trò cãi lại thày;

Khi muôn dân lầm than oán hận;

Khi quân sĩ chểnh mảng việc quân;

Khi kẻ sĩ ngoảnh mặt, xoay lưng (với thế sự).



Những điều nói trên của các cụ nhà ta có cái gì đó giống với ông Lê nin (1870-1924) ở nước Nga đầu thế kỷ 20, được tổng quát dạy trong môn Lịch sử Đảng Cộng sản Liên xô thời những năm đầu 1960, về 3 yếu tố cấu thành thời cơ cách mạng , đó là:

Một là khi lực lượng thống trị trở thành phản động nhất;

Hai là sự bất mãn của quần chúng lên tới đỉnh cao nhất; và,

Ba là lực lượng trung gian nghiêng hẳn về phía quần chúng.



Xin được hiểu từ “phản động” ở đây với nghĩa rộng hơn của bản thân nó. Nó bao gồm cả việc làm sai tôn chỉ, mục đích, cam kết ban đầu, sai pháp luật của Nhà nước, giả dối, cửa quyền, nhũng nhiễu, tham nhũng, đục khoét tiền của nhà nước, ăn cắp tiền của dân, kìm hãm sự phát triển…chứ không phải đợi tới khi làm tay sai cho nước ngoài, có âm mưu lật đổ… mới bị quy là phản động.



Ở Việt nam ta, nhất là  ở các tỉnh phía Bắc, cả một bộ phận lớn của cái lực lương trung gian kể trên chủ yếu là con em từ các gia đình công-nông mà ra, đã được tuyển chọn cho đi đào tạo, trên thực tế đã và đâu đó, ngược lại,  còn bị hành xử như “đối tượng” (không đáng tin tưởng), họ còn gắn bó mật thiết với nơi họ đã sinh ra, họ rất nhậy cảm với những gì mà gia đình, người thân và xóm làng mình đang gánh chịu hàng ngày.



Còn nếu theo các cụ của ta về vai trò trí thức, nói chung, chỉ những người có trình độ học vấn nhất định mới có khả năng và điều kiện nghiên cứu, tiếp thu những gì mới mẻ của thế giới (ngay cả nghiên cứu và truyền bá học thuyết Mác-Lê vào Việt nam), có thể dẫn dắt được cả xã hội…, mà thế giới gọi là giới “tinh hoa” (Elite), chứ không phải “Cục..C” như Mao Trạch Đông đánh giá trí thức trong cách mạng vô sản…vì với họ (người TQ nói) “Càng nghèo càng tốt, càng dốt càng hay”!  Chính vì vậy mà người xưa còn nêu “Hiền tài là nguyên khí quốc gia”, rồi, “Quốc gia hưng vong, Thất phu hữu trách”, Đất nước hưng thịnh hay suy vong, đó là trách nhiệm của người có học (chứ không phải kẻ thất học, người viết).



Còn ai đó cứ tự cho mình là lực lượng độc tôn dẫn dắt đất nước này, cả dân tộc này, chỉ có mình mới “chính danh”, mình “độc quyền” lãnh đạo, “độc quyền” yêu nước, mình “có quyền” đứng trên cả đất nước, trên cả dân tộc, trên cả luật pháp, có mình mới có ngày nay …thì liệu có dám “Quốc gia hưng vong, “chính danh” này hữu trách” không (?), liệu có dám “độc quyền” chịu trách nhiệm không (?) hay lại tìm cách đổ vấy cho “thế lực” nọ, “thế lực” kia, liệu có “Tiên trách kỷ, hậu trách nhân”, hãy tự trách mình trước, như các cụ ta đã dạy không?…



Tại cái thời điểm hội đủ 3 yếu tố trên, chỉ cần có ai nắm lấy cơ hội, chỉ cần thêm chút ngẫu nhân từ ngoài, nếu có, cách mạng hay phản cách mạng, tùy theo lý giải của mỗi bên, sẽ bùng nổ và con thuyền sẽ bị lật nhào. Phải chăng nhờ vậy, với nghị quyết “Nhật – Pháp bắn nhau và hành động của ta” đã đẩy các mâu thuẫn (nội tại) đến cực độ để đưa Cách mạng Tháng tám 1945 ở nước ta tới thành công…



Xét cho cùng yếu tố thắng lợi đều phụ thuộc vào sự phân tích cho ra được các mâu thuẫn, giải quyết các mâu thuẫn một cách thỏa đáng và hợp với thời đại, đặc biệt và trước tiên là các mâu thuẫn nội tại (mâu thuẫn trong nước, trong nhân dân…) và không bỏ lỡ thời cơ, nắm bắt được “ Thiên thời, Địa lợi, Nhân hòa”…là thắng lợi. Để mất cơ hội quả là điều đáng tiếc, nhiều khi cả tới trăm năm sau nghĩ lại vẫn còn hối tiếc[7]; chưa nói tới, đối với  “chính danh”, để mất cơ hội, để thời cơ tuột khỏi tay… là có tội với lịch sử, với đất nước, với dân tộc, “có tội với tiền nhân”[8]….Nhìn lại lịch sử cận đại của nước Việt nam ta từ năm 1945 đến nay thôi, chưa đầy một trăm năm, hãy dũng cảm và nhìn thẳng vào sự thật, ta không khỏi tiếc những thời cơ đã bị tuột khỏi tầm tay, làm cho ta bị tụt hậu so với nhiều nước khác trong khu vực… Xin đừng để cho đất nước này, cho dân tộc này tiếp tục hẫng hụt mà lỡ thêm nhịp!



Minh triết Mác-Lê trong kinh tế



Trong kinh tế cũng vậy, Mác-Lê (Nhất là Mác với Tư bản luận) quả cũng có nhiều điều rất minh triết. Đơn cử, chỉ xoay quanh mấy chữ “c+ v + m”, “T – H – T’ ” rồi “ T’>T ”… và các mối quan hệ, tỷ lệ giữa chúng với  nhau, trong những phép tính đơn giản nhất, chưa cần tới các số mũ lũy thừa, các đạo hàm toán học phức tạp…mà người viết thấy cũng chưa khám phá hết, chưa lý giải hết nổi, không dám đề cặp nhiều tới vĩ mô, chỉ riêng đối với các thực thể kinh doanh theo các loại hình doanh nghiệp/công ty hiện nay, tạm có thể quy tụ vào bốn dạng chính: DN Cửa quyền (độc quyền), DN Đầu cơ, DN cơ bản dựa vào Lao động cơ bắp (labor intensive), và DN cơ bản dựa vào Tri thức[9] (nhất là thời đại Kinh tế Tri thức, Knowledge Based Economy, như đương đại).



Ngay ở nước Mỹ, trong cuộc khủng hoảng kinh tế hiện nay, người ta cũng phải đọc lại những minh triết (còn giữ nguyên giá trị) mà Mác đã nói trong Bộ Tư bản luận.



Minh triết quá đi chứ khi Mác nói về hàng hóa: “Hàng hóa chỉ trở thành hàng hóa khi nó hai thuộc tính giá trị và giá trị sử dụng”, rồi, “Hàng hóa chỉ trở thành hàng hóa khi nó thực hiện được giá trị trên thương trường”.Điều này càng đúng trong một nền kinh tế thị trường mà ta đang hướng tới và mong nhiều nước thừa nhận và, nhất là, trong một thế giới đã vào hội nhập như hiện nay.



Có một thời người ta kêu gọi và phấn đấu sao cho vượt Mỹ, vượt Anh, vượt vài nước tư bản tiêu biểu về chỉ tiêu sản xuất một số sản phẩm (người viết xin nhấn mạnh từ “sản phẩm”). Cuối cùng thì sản lượng về sản phẩm nọ, sản phẩm kia, có thể bằng và vượt cả các nước tư bản được chọn làm mục tiêu, nhưng chất lượng thì quá thấp, giá thành lại quá cao, không sao tiêu thụ được…nghĩa là chỉ chạy theo số lượng, bằng bất kỳ giá nào, kể cả hy sinh về môi trường như đâu đó đang diễn ra…, chạy theo thành tích, chỉ sản xuất ra sản phẩm không trở thành hàng hóa được (không bán được, không thực hiện được giá trị trên thương trường)[10].



Lê nin không minh triết sao khi ông nói “ Không có kiểm kê và kiểm soát, không có quản lý” . Giáo trình dạy kinh tế (TBCN) của nhiều nước vẫn còn nhắc tới điều này…và, thủ tướng đương thời của ta cũng có lần nhắc tới!



Người viết, do khuôn khổ của bài này, xin không dừng ở đây nhiều để bàn xâu về những sự việc cụ thể mà Việt nam ta đang đối mặt. Ngay báo chí “lề phải” đã nói nhiều, trên nhiều diễn đàn, kể cả trong Quốc hội, người ta đã từng lớn tiếng phê phán… và vì vậy xin nhường lại quyền cho “lề phải”, lề chính thống, hãy bớt đưa tin về tệ nạn xã hội “đâm, chém, hiếp, giết, …” sa đà theo hướng “lá cải hóa” thông tin, đến mức cơ quan quản lý cũng phải giật mình lên tiếng, xin hãy  tiếp tục phê phán cái bệnh chạy theo thành tích, bằng mọi giá chạy theo số lượng, bất chấp chất lượng, bất chấp hiệu quả, …, cứ đà này “lượng đổi, chất đổi” sẽ theo chiều hướng xấu, xin hãy đi đến cùng để giải đáp các câu hỏi: Tại sao? Tại sao? Ai là người hưởng lợi?…



Ai cũng rõ vài thực tế (riêng về kinh tế thôi) phũ phàng mà “lề phải” đã từng nói tới: nhiều tỉnh đòi xây sân bay, cách nhau 100 cây số, đang xây đường cao tốc (bên cạnh một con đường một thời đã được coi là “cao tốc”), rút ngắn thời gian đi lại xuống dưới 1 giờ đồng hồ, lại cho xây một sân bay quốc tế trên  vùng đất trũng đầm lầy, cách nhau 40km lại cho xây 2 sân bay nội địa để rồi… không đủ khách; xin hỏi, nếu số lượng nhân viên của ngành hàng không còn nhiều hơn số ghế trên máy bay đang khai thác thì sao còn cạnh tranh được (?); tỉnh nào có biển cũng tìm cách xây cảng nước xâu; cách vài chục phút chạy xe với tốc độ trung bình 50-60km/h trên các đường trục chính, lại thấy một khu công nghiệp… bỏ hoang hay lèo tèo với vài ba nhà máy, vài khu chung cư đắt tiền với những căn hộ với giá cả ngàn USD/M2 còn… trống rỗng, không ai ở (trong khi thu nhập trung bình của người dân mà nhiều nơi vẫn “cơm chưa đủ no, áo chưa đủ ấm”, theo báo cáo của Nhà nước, cũng mới nhỉnh hơn 1.000USD/năm, xếp vào hàng cuối của các quốc gia có mức thu nhập trung bình) …; kiểm tra, kiểm soát ở tập đoàn nọ tới 7,8 lần đều cho kết quả tốt (để báo cáo) nhưng cuối cùng đã để lại gánh nợ (mới theo số liệu công khai) ngót ngét tới gần 100 ngàn tỷ VNĐ; một đất nước với GDP mới ở mức gần 200 tỷ USD/năm mà rất “thành tích” khi cho ra đời cả trăm ngân hàng với gánh nợ xấu khổng lồ so với vốn sở hữu mà có người lo dù có bán hết tài sản cũng không sao trả hết!, cả trăm công ty chứng khoán mà “làm giá” chắc là một… phương thức chính(?), giờ đây, để “dẹp loạn”, cũng lại rất “thành tích” phải thu hẹp lại, phải M&A (sáp nhập và mua lại) bằng mọi kiểu, tự giác (?) cũng như thôn tính thô bạo! Trong khi cần thắt chặt đầu tư công thì vẫn lách tìm cách “thông qua” những dự án viển vông, thế giới rút ra thì ta lại chui vào, thế giới bỏ đi thì ta lại nhận (điện nguyên tử chẳng hạn)! những “con voi” vẫn lần lượt chui qua các “lỗ kim”!…



Minh triết Hồ Chí Minh



Trước khi đề cập tới chuyện này, người viết xin bộc bạch suy nghĩ cùa mình:



Xin những ai, dù có sùng bái  Hồ Chí Minh tới mức nào, cũng không nên đặt Cụ ngang hàng với những bậc Thánh hiền, vì đã tôn lên hàng Thánh thì tròn trịa, không thể có một mỹ từ nào như “vĩ đại”, “anh minh” đi theo sau được; vì đã là Thánh, theo tâm linh, thì phải thiêng, phải “cứu nhân, độ thế”, phải diệt trừ được tà ma…mà lẽ nào lại để cho thế sự nhiễu nhương như hiện nay…Càng cố tôn Cụ lên bậc Thánh thì những người “ngoại đạo” (khác với những ai sùng bái Cụ) lại “bới lông, tìm vết” để nói xấu Cụ, làm cho Cụ đang nằm trong lăng nguy nga mà vẫn không yên, dân dã mà nói là “mồ chưa yên, tuy mả có đẹp”…



Xin hãy coi Hồ Chí Minh như mọi con người bình thường, cũng “hỷ, nộ, ai, lạc, ái, ố, nhục” như bất kỳ ai, có chăng là Cụ có thể tốt hơn những cái tốt của những người khác và xấu ít hơn những cái xấu của những người khác…Cụ có cái đúng và cũng không tránh được những cái sai, Cụ có công và Cụ cũng từng có tội, …cuối cùng cọng tất cả, phán xét một một cách công bằng, một cách lịch sử và biện chứng, đối với đất nước và dân tộc, so sánh với những nhân vật cùng thời trong nước, và, dám so với cả nước ngoài, liệu Cụ có đạt được một chỉ số cao nhất định để gắn với mỹ từ nào xứng đáng theo không(?).



Chỉ có từ “con người”, cao hơn đạt tới “CON NGƯỜI” được viết bằng chữ hoa như Mác xim Goc ki[11] nói, chứ không phải là thánh, mới có thể gắn theo mỹ từ như “vĩ đạị”, “anh minh”…. Xin những ai, thực tình hay giả dối, chỉ muốn núp dưới bóng Cụ, đưa cụ ra làm bình phong, dù mỗi năm vài lần có vào viếng Cụ, đôi khi chỉ vì chiếu lệ,  xin đừng đặt Cụ lên ngang hàng các bậc Thánh hiền; và, cũng, xin những ai không ưa Cụ, thậm chí ghét và, vì một lý do gì đó, còn căm thù cái thể chế này mà lây sang Cụ… hãy bình tâm mà xem lại cách đánh giá của mình, một cách công bằng, riêng về con người Cụ, như mọi nhân vật lịch sử khác.



Một điều người viết băn khoăn xin được chỉ giáo là: nhiều người nói là, cách mạng Việt nam năm 1945 (và cho tới nay) khác cách mạng (vô sản) Tháng Mười Nga(1917), không giống cách mạng (dân chủ- nhân dân) của một loạt nước Đông Âu (được Hồng quân Liên xô giải phóng) ra đời sau Thế chiến thứ hai (1945), không giống cách mạng (nông dân) Trung quốc mãi tới năm 1949 mới thắng lợi, cũng chẳng như Triều tiên, Cu ba sau này…, cách mạng Việt nam mở đường cho phong trào giải phóng thuộc địa…Nghĩa là, như người viết hiểu, cách mạng Việt nam có cái gì đó riêng biệt, đặc thù, đã như vậy thì cách mạng Việt nam phải có cơ sở lý luận riêng của mình, bởi lẽ, cũng theo Lê nin: “Không có lý luận cách mạng thì không có phong trào cách mạng”. Chả nhẽ người Việt nam, một dân tộc có 4 ngàn năm lịch sử với nhiều trang đáng tự hào, lại không có chủ thuyết, lý luận gì riêng của mình mà phải vay mượn từ ngoài, nên có một thời “…Chủ nghía Mác-Lê, Tư tưởng Mao Trạch Đông, Tác phong (chỉ có tác phong thôi! Người viết) Hồ Chí Minh”, rồi sau này thấy Mao “công 7, tội 3” hoặc “công 3, tội 7”, hoặc 50/50, Fifty, Fifty (đấy là theo người nước họ nói thế đối với dân nước họ thôi) nên giờ đây mới “…Chủ nghĩa Mác-Lê, Tư tưởng (+ đạo đức, người viết) Hồ Chí Minh”!



Người viết, một thảo dân, chỉ nghĩ mọc mạc là cần tìm ra cái lý luận cách mạng riêng của Việt nam, một cách thô thiển như “ Người Việt nam ưu tiên dùng hàng Việt nam”, mọi thứ du nhập, vay mượn từ ngoài chỉ là để tham khảo và vận dụng những gì phù hợp với đất nước này, lịch sử và con người Việt nam này chứ đừng bắt mọi người phải tôn thờ 100%…như ta từng thấy trong Thánh thất Cao đaì Tây ninh, ngoài thờ Đức thánh Trần, và bao nhiêu chí sĩ, nhiều nhà yêu nước, nhiều học giả Việt nam (người viết chưa rõ đã có Hồ Chí Minh chưa?), còn có cả Phật Thích Ca, Jesu, đến cả Tôn Dật Tiên, Vic-to Huy-gô… và hình như có cả Mã – khắc – tư (Mác), Liệt – ninh (Lê-nin), mỗi người một vẻ, mỗi người có một triết lý hay, có những minh triết mà người đời cần học và vận dụng!



Không phải để lại cho đời vài ba đầu sách về một chủ kiến nào đó mới là nhà lý luận, mới là nhà minh triết[12]. Trong lịch sử của thế giới, của nhiều nước, thiếu gì những người không có tác phẩm lý luận nào mà chỉ có tư tưởng của họ được thể hiên dưới dạng viết hay nói (tuyên bố) đã đưa ra một chủ thuyết , một minh triết rồi.



Cái công lớn của Hồ Chí Minh là đã đưa các minh triết, các tư tưởng lớn hợp thời đại của Tuyên ngôn/hiến pháp của Pháp và Mỹ và của các tư tưởng lớn khác như Tôn Dật Tiên, Mong-tes-qui-ơ… vào  trong Tuyên ngôn Độc lập 1945 và Hiến pháp 1946, trong đó “mọi người sinh ra đều có quyền bình đẳng…”, “xây dựng một nhà nước của dân, do dân, vì dân” , “dân tộc độc lập, dân quyền tự do, dân sinh hạnh phúc”, “xây dựng một nhà nước pháp quyền, tam quyền phân lập”, “xây dựng một quân đội trung với nước, hiếu với dân”…rồi “ cán bộ là đầy tớ của nhân dân”, rồi  “cần, kiệm, liêm, chính”, rồi “chí công vô tư”…



Nói đến minh triết riêng của Hồ Chí Minh chắc phải kể đến tinh thần đoàn kết và hòa hợp dân tộc trong khẩu hiệu “Đoàn kết, Đoàn kết, Đại đoàn kết, Thành công, Thành công, Đại thành công” và cách dùng người của Cụ, nhờ cái “thanh nam châm” đó nên cả một thế hệ những người con ưu tú của đất nước đã hy sinh của cải, vật chất và xương máu đi theo, người ta được giác ngộ về lợi ích dân tộc, trước khi biết đến giai cấp, đến Đảng…Rồi sau này khi vấn đề giai cấp và đấu tranh giai cấp lên thế “thượng phong”, lấn át ngay cả điều minh triết kể trên, một cỗ “máy ly tâm” với gia tốc ngày càng tăng ra đời, khiến nhiều người, nhất những ai  xuất thân từ giới trí thức, từ tầng lớp khá giả đã bị văng ra xa, và, nhiều người từng chịu những hệ lụy, khổ đau!



Nói tới minh triết Hồ Chi Minh không thể không nói tới “ Độc lập – Tư do – Hạnh phúc” , có độc lập mà không có tự do thì độc lập cũng chẳng có ý nghĩa gì, nói gì tới  hạnh phúc! Người viết hoài niệm, nếu Hồ Chí Minh còn sống sau 1975, liệu trong minh triết của mình có được bổ sung thêm một vế  “Thống nhất – Hòa hợp”[13]; theo minh triết “Đại đoàn kết” và khi dám đặt lợi ích “Tổ quốc trên hết”, chắc phải “Hòa hợp” ngay sau “Thống nhất” như một số người ngay sau ngày thống nhất đất nước, hay sau đó vài năm đã ngộ ra, và không thiếu người vì tinh thần này đã bị “nâng quan điểm” và bị quy chụp về mất “lập trường” và phải trả giá đắt, họ và những người thân của họ đang chờ một lời “xin lỗi” chân thành, một sự “minh oan” xứng đáng từ phía những ai dũng cảm dám chính danh thừa nhận sai lầm cho dù đã quá muộn màng, nhiều người trong số họ đã ngậm ngùi về thế giới bên kia!



x



x        x



Viết về minh triết, người người viết đã thừa nhận là một vấn đề khó, quá lớn so với trình độ một thảo dân. Song, “chân lý đôi khi lại là những điều đơn giản nhất” và, cũng từ vị trí một thảo dân, người viết muốn trải lòng để lý giải về những vấn đề đang hiển hiện trong cuộc sống đời thường mà ai cũng thấy trừ những người cố tình “nhắm mắt” mà thôi, và, mong ước các minh triết này được thực hiện sao cho “lời nói đi đôi với việc làm”, một cách trung thực, không gian dối./.



                                                                                        Hà nội, hè 2013





 Chú giải :



[1] Trong lời bài “Quốc tế ca”



[2] Xin hãy đọc cuốn “Sự phản bội của Goc-ba-chốp do Nhà Xuất bản Bộ Công an xuất bản



[3] Phan Bội Châu và Phan Chu Trinh



[4] Hình như của Churchill, thủ tướng Anh hồi đó.



[5] Có một số cán bộ sang Liên xô để “bồi dưỡng”,  nghe nói cả làm luận án Phó tiến sỹ (sau này về ta được nâng lên thành tiến sĩ), do trình độ tiếng Nga kém, nhưng  chức vụ lai cao, nên được học qua phiên dịch. Người viết đã được huy động nhiều lần đi dịch cho các lớp Quản lý Kinh tế do các giáo sư Liên xô giảng nên tự an ủi là mình cũng được học “theo”(học đi, học lại nhiều lần).



[6] Người viết xin tìm tiếp nguyên văn các câu nói này và chỉnh sửa sau. Mong các học giả và bạn đọc chỉ giáo cho.



[7] Nguyễn Trường Tộ (1828-1871)



[8] Câu nói của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang



[9] Người viết, trong khuôn khổ bài này, xin miễn được liệt kê các loại công ty nào thuộc dạng nào. Mong bạn đọc chia sẻ tiếp.



[10] Mời đọc Hồi ký của Anatôli Checnhaep (Анатолий Черняев), nguyên  Phó ban đối ngoại TƯ Đảng CSLX, “Không có Pê-rê-stroi-ka, Liên xô sẽ ra sao?”, trong đó có nêu (ở thời điểm trước xúp đổ) Liên xô có 270.000 công trình, tính trung bình chỉ có 12 công nhân/công trình; sản lượng thép của Liên xô đã vượt Mỹ nhưng chỉ có 40% đạt tiêu chuẩn Mỹ để có thể xuất khẩu, hàng triêu đôi giầy dép không bán được….(không thực hiện được giá trị trên thương trường, như Mác nói, người viết)



[11] Nhà văn Xô viết nổi tiếng thời đầu cách mạng (Tháng Mười, 1917)



[12] Ở ta, có thể nêu Trường Chinh và sau là Lê Duẩn là các nhà lý luận, nhất là Lê Duẩn “Dưới Ngon cờ vẻ vang” đã để lại học thuyết “Làm chủ tập thể” sau này bị phê phán “Cha chung không ai khóc” .Tuy nhiên, theo người viết,  trong đó một ý hay: “Trong các quyền làm chủ thì làm chủ tư liệu sản xuất là quan trong nhất” để giải thích nhứng khẩu hiệu kêu gọi quần chúng đi theo cách mạng như “nhà máy thuộc công nhân”, “người cày có ruộng”, để rồi soi xét việc các khẩu hiệu đó được thực hiện như thế nào sau khi cách mạng đã thành công(?) .Trong dự thảo sửa đổi hiến pháp 1992 người ta vẫn cố bám lấy cái lý :đất đai là sở hữu toàn dân, mặc cho nhiều ý kiến yêu cầu chấp nhận đa sở hữu (kể cả sở hứu tư nhân), đảm bảo cho “người cày có ruộng”.



Xin người đọc cũng tìm cuốn “Giai cấp mới” của Molivan Djilias, nguyên phó Tổng thống Nam tư để đọc, trong đó có nói tới một ý: Sau khi cách mạng thành công, tại các nước  XHCN, với thể chế độc trị và chế độ sở hữu toàn dân đã cho ra đời một giai cấp mới, chẳng còn thuộc tính vô sản nữa, chẳng ra công nhân, chẳng ra nông dân, chẳng còn thực sự quan tâm tới lợi ích của công nông, đôi khi phản lại cả quyền lợi của hai giai cấp này…như trong dân gian ta thường được mô tả “Đầu trí thức, tay công nhân, chân lai động, bụng… địa chủ”!



[13] Dám chấp nhận những “khác biệt” trong một thể “thống nhất”, có cọ sát mới ra chân lý để đưa đất nước đi lên…











0 nhận xét:

Đăng nhận xét